Trong cuộc sống, vô luận là học tập, công tác, kết giao bạn bè, hay làm ăn kinh doanh, lắng nghe là một điều vô cùng quan trọng. Có những lúc chúng ta sẽ nhận ra rằng ngàn lời nói không bằng tĩnh tĩnh ngồi yên lặng lắng nghe. Đáng tiếc là phần lớn mọi người thường thích nói mà rất ít người có thể lắng nghe và thấu hiểu.
Lúc hai người nói chuyện với nhau, trên bề mặt là người này nói một câu, người kia nói một câu, tựa như một người nói một người nghe, nhưng thực ra rất nhiều khi người nói đang cố gắng biểu đạt những gì mà người nghe chưa hiểu. Lắng nghe không chỉ là thể hiện của sự tu dưỡng đạo đức, mà còn là yếu tố giúp con người sống hòa thuận với nhau.
Một nhà hiền triết từng nói: “Trời ban tặng cho con người hai tai, hai mắt, nhưng chỉ có một cái miệng là muốn con người nghe nhiều hơn, nhìn nhiều hơn và nói ít đi”. Bởi thế lắng nghe không phải chỉ dùng tai mà phải dùng cả tâm nữa. Dụng tâm lắng nghe là một loại mỹ đức.
Lắng nghe là sự thể hiện của tâm tính
Người không có khả năng lắng nghe thông thường đều xem thường người khác, cậy mạnh lấn yếu, không có khả năng nhẫn nại. Xưa nay, lời thật thường khó nghe, nên chỉ người khoan dung độ lượng mới có thể nhận ra lợi ích của việc tiếp thu lời chính trực.
Một người muốn lắng nghe cần phải buông bỏ sự cố chấp và ngạo mạn của bản thân, có thể hạ mình trước người khác. Khi ấy người ta mới có thể tĩnh tâm mà lĩnh ngộ được càng nhiều hơn. Bởi vậy lắng nghe là sự thể hiện của tâm tính.
Người giỏi lắng nghe, tâm của họ như gương sáng, thông thấu được vạn vật. Những bậc trí giả như vậy cũng sẽ có sự bình thản, an tường trong tâm, luôn sẵn sàng tiếp nhận sự ban ơn của tạo hóa. Xưa nay các bậc trí giả thông thấu nhân sinh đều là những người hiểu được lợi ích, tầm quan trọng của việc lắng nghe.
Có thể tĩnh tâm mới có thể thấu hiểu
Lắng nghe là việc không hề dễ dàng, đòi hỏi người nghe phải tĩnh tâm, kiên nhẫn và khiêm tốn. Một người khi có thể tĩnh hạ tâm xuống thì có thể câu thông với vạn vật trong vũ trụ, càng có thể minh tỏ đúng sai, sẽ không bị những “giả ngôn, giả thiện, giả tướng” lừa gạt, không bị nhiễu loạn nội tâm.
Một người có tâm khiêm tốn, thẳng thắn, chân thành, chính nghĩa, mới có thể phân rõ được lời thật giả, mới có thể lĩnh ngộ được sự to lớn bao la của tạo hóa. Người có thể kiên nhẫn mới có thể ở trong sự phức tạp hỗn độn mà tìm được sự tĩnh lặng của nội tâm, mới có thể phân rõ được cái gì là thực sự thiện, thực sự ác, tốt và xấu, trở về với bản tính thiện lương và chất phác của bản thân.
Một người mà nội tâm luôn tràn ngập sự cuồng vọng, tự phụ và thành kiến thì thật khó để lắng nghe lời khuyên bảo từ người khác.
Lắng nghe là đạo làm việc, đạo trị quốc
Trong lịch sử các đời minh quân đều có các ngôn quan, gián quan, những người phải thực sự biết lắng nghe để phân biệt rõ tốt xấu, phải trái từ đó có lời khuyên can bậc quân vương. Bên cạnh đó còn có sử quan, những người giữ vững sự khách quan để thấu hiểu, quan sát, rồi lưu lại lịch sử một cách chính trực nhất.
Nhìn lại lịch sử có thể thấy, các vị minh quân sáng lập đế nghiệp huy hoàng hay khai sáng thịnh thế đều là bậc quân vương biết lắng nghe, kính trời kính đất và Thần linh. Không những thế, họ tuy ở trên vạn người nhưng lại luôn khiêm cung, nhường nhịn, tiếp thu can gián, thấu hiểu lòng dân, thuận thiên hành đạo. Họ dùng chính hành vi, lời nói, đạo đức của bản thân để làm gương cho dân chúng, vì thế mà quốc thái dân an.
Hoàng đế nhà Đường, Đường Thái Tông tuyển người hiền đức làm gián quan, dùng nhân từ cai quản thống trị thiên hạ, vui mừng khi nghe được những lời góp ý, luôn tự suy xét lại bản thân, khoan dung rộng lượng nên mới giúp Đường triều đi lên đỉnh cao của lịch sử. Hoàng đế Khang Hy cũng như vậy nên mới sáng tạo ra thời đại “Khang Càn thịnh thế”.
Không chỉ những bậc Quân chủ xưa biết lắng nghe mà được thiên hạ, mà các nhà lãnh đạo tài tình trên thế giới cũng đều là những người biết lắng nghe cả.
Theo ttvn