Gỗ Hoàng Dương là một loại gỗ quý, cây Hoàng Dương thuộc họ Hoàng dương (Buxaceae), cây gỗ nhỏ, cao trung bình 6m, quá trình phát triển chậm, đến hơn 10 năm đường kính cây mới được 10cm cho nên phần gỗ rất nặng, cứng, và chắc. Hoàng dương có nguồn gốc ở miền tây và miền nam châu Âu, miền tây nam, nam và đông châu Á, châu Phi, Madagascar, khu vực phía bắc Nam Mỹ, Trung Mỹ, México và Caribe, phần gỗ Hoàng Dương rất nặng, mịn, chắc thường có giá trị trong chạm khắc gỗ cho nên rất được ưa chuộng khi dùng để chế tác thành các sản phẩm gia dụng, phong thủy, mỹ nghệ
Nhờ vào phần lá có màng da, tế bào biểu bì có lớp cutin dầy nên chống chịu mạnh đối với khí độc, SO2, Cl, HS, HF, nên Hoàng Dương có tác dụng thanh lọc và hút khí độc để làm sạch không khí, đây cũng là một ưu điểm đặc biệt riêng ở loại gỗ này
Gỗ Hoàng Dương có mùi thơm dịu nhẹ giúp thoải mái tinh thần, tăng cường sức khỏe, giảm stress; ngoài ra gỗ Hoàng Dương còn được tương truyền rằng có tác dụng chấn phong thủy, mang lại may mắn và tài lộc cho gia chủ, đây cũng là lý do khiến các sản phẩm như tượng gỗ Hoàng Dương rất được ưa chuộng.
Đặc biệt có truyền thuyết kể rằng khi lấy gỗ cây Hoàng Dương tạc thành chiếc lược rồi chải lên mái tóc đen nhánh thì cô gái nào cũng trở nên xinh đẹp như tiên giáng trần, đây cũng chính là bí quyết làm đẹp từ ngàn xưa của biết bao cô gái chốn cung đình, lược gỗ Hoàng Dương gắn liền với cuộc sống của biết bao người đẹp nghiêng nứơc nghiêng thành.
Gỗ Hoàng dương ngày càng ít dần do sự khai thác khá nhiều, hiện nay người ta thường ưa chuộng trồng Hoàng dương làm cây cảnh, đây cũng là một thú chơi được rất nhiều người hưởng ứng.
Theo Wikipedia
Chi Hoàng dương, tên khoa học Buxus, là một chi thực vật của khoảng 70 loài trong họ Hoàng dương (Buxaceae). Tên gọi chung của chúng là hoàng dương. Các loài hoàng dương có nguồn gốc ở miền tây và miền nam châu Âu, miền tây nam, nam và đông châu Á, châu Phi, Madagascar, khu vực phía bắc Nam Mỹ, Trung Mỹ, México và Caribe, với phần lớn các loài sinh sống trong khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới; chỉ có các loài ở châu Âu và một số loài châu Á là chịu được lạnh. Trung tâm đa dạng có tại Cuba (khoảng 30 loài), Trung Quốc (17 loài) và Madagascar (9 loài).
Chúng là các cây bụi hay cây gỗ nhỏ thường xanh lớn chậm, cao khoảng 2–12 m (ít khi tới 15 m). Các lá mọc đối, hình từ tròn tới mũi mác, bóng mặt; ở phần lớn các loài lá khá nhỏ, thường dài 1,5–5 cm và rộng 0,3-2,5 cm, nhưng ở B. macrocarpa thì lá dài tới 11 cm và rộng 5 cm. Hoa nhỏ màu vàng lục, đơn tính cùng gốc (cả hoa đực lẫn hoa cái trên cùng một cây). Quả là loại quả nang nhỏ dài 0,5-1,5 cm (tới 3 cm ở B. macrocarpa), chứa vài hạt nhỏ.
Chi này được chia thành ba phân chi khác nhau về mặt di truyền, mỗi phân chi có mặt tại các khu vực khác nhau, với các loài Á-Âu ở một phân chi, các loài châu Phi (ngoại trừ các loài ở tây bắc châu lục này) và Madagascan thuộc phân chi thứ hai và các loài châu Mỹ thuộc phân chi thứ ba. Các loài châu Phi và châu Mỹ về mặt di truyền là gần gũi với nhau hơn các loài Á-Âu (Balthazar và ctv, 2000).
Hoàng dương nói chung được sử dụng làm hàng rào hay cây cảnh tạo hình, gỗ rất nặng của nó có giá trị trong chạm khắc gỗ và làm chữ in bằng gỗ trong in ấn. Hoa rất nhỏ của chúng có nghĩa là hoàng dương được trồng chủ yếu vì tán lá của chúng.