“Kinh dịch” (Chu dịch) thường được cho là một cuốn sách về tướng số, đoán mệnh. Nhưng kỳ thực, Chu dịch còn hàm chứa đạo lý rất uyên thâm, về sau đã trở thành ngọn nguồn cuối cùng của tư tưởng triết học cổ xưa. Cuốn kỳ thư này vừa xa lạ lại vừa quen thuộc, vừa kỳ bí mà lại vừa sáng tỏ.
Chu dịch được đánh giá là có tầm ảnh hưởng rất lớn trong việc hình thành nên nền văn hóa cổ đại. Dưới đây là 10 đạo lý huyền diệu lợi hại nhất trong Chu dịch, cũng là bài học đạo lý cho con người.
1. Quá mừng rỡ dễ bị nói lỡ
Nói nhiều tất nói hớ, đặc biệt là trong lúc vui mừng. Bởi vì tâm thái của con người lúc mừng rỡ là thiện, là tốt, muốn thổ lộ, chia sẻ hết ra những gì muốn nói ở trong lòng. Nhưng ngay cả khi tâm bị kích động thì lời nói vẫn phải trầm ổn, bởi vì lời một khi đã nói ra thì không thể thu hồi lại được.
Cổ nhân nói: “Vui không thể vui đến cực điểm”. Bởi vì khi con người ở vào cực độ của vui thì “tuyến phòng ngự” của tâm lý sẽ không còn. Thông thường sẽ không giữ được miệng mà nói những lời không phù hợp, dẫn đến hối tiếc không kịp.
2. Quá giận dữ dễ bị thất lễ
Giận theo tâm mà khởi. Rất nhiều người khi giận thì tứ chi sẽ động theo và không còn quan tâm đến lễ tiết nữa. Trong cuộc sống hàng ngày, nếu như tức giận với người nhà, bạn bè, mọi người khác thì không chỉ làm tổn hại đến mối quan hệ tình cảm giữa hai người mà còn làm tổn hại lớn đến sức khỏe của bản thân.
Thời điểm tức giận, mọi người thường quên mất hạn độ mà làm ra những việc thất lễ và hối hận. Vì vậy, mỗi người nên học cách tự kiềm chế bản thân mình, bình tĩnh trước mọi sự việc xảy ra.
3. Quá kinh hoảng dễ bị thất thố
Lúc Tào Tháo và Lưu Bị đàm luận việc thiên hạ, Lưu Bị giật mình kinh hãi mà làm rơi cả đũa. Người làm việc lớn như Lưu Bị còn như vậy thì dân thường đứng trước cảnh núi Thái Sơn đổ mà không thay đổi sắc mặt thì thật là khó.
Con người khi bị kinh động bởi một việc nào đó thì dễ dàng đánh mất trạng thái của bản thân. Muốn luôn luôn giữ được trạng thái dáng vẻ của mình, phải luôn luôn bảo trì được tâm bình an.
Người xưa nói, không quan tâm hơn thua, núi Thái Sơn sụp đổ trước mắt mà sắc mặt không đổi, tư tưởng, nhân tâm bất động…Đây đều là muốn nói cho mọi người biết rằng phải tu dưỡng một tâm ổn định, bình thản, “hờ hững” đối mặt với những vinh nhục, những biến cố trong cuộc đời.
4. Quá buồn dễ bị mất nhan (vẻ mặt, thể diện)
Khi đối mặt với đau thương, thậm chí là bi thương thì người ta thường sẽ buông lơi, không còn thiết tha gì nữa, khiến tinh thần bên trong và vẻ bề ngoài đều sa sút, chán chường. Cho nên, ai cũng cần phải học được cách tiết chế, đừng để ngoại cảnh, sự việc điều khiển bản thân mình.
Nhan ở đây không chỉ là dáng vẻ bề ngoài mà còn chỉ trạng thái tinh thần. Cho nên, khi đối mặt với đủ loại buồn đau trong cuộc đời cần tiết chế, suy nghĩ tích cực hướng về phía trước, đừng để tinh thần suy sụp không vực dậy được.
Trung y cho rằng, đau buồn sẽ làm tổn hại đến sức khỏe. Biểu hiện là sắc mặt ảm đạm, thê lương, thần khí không đủ, làm suy giảm chức năng nội tạng của bản thân.
5. Quá vui dễ bị sơ xuất
Khi con người cao hứng, vui vẻ thì trong mắt sẽ thấy điều gì cũng là vừa ý, hài lòng. Khi ấy, khả năng nhận biết, phân biệt của con người cũng bị giảm sút, suy yếu đi, khả năng suy xét cũng bị coi nhẹ. Vì vậy, “sơ xuất” sẽ nhân cơ hội này mà vào. Từ đó dẫn đến những sai lầm đáng tiếc.
Có câu nói: “Đắc ý quên hình”. Con người vào lúc quá đắc ý, quá mừng rỡ sẽ khó tránh khỏi có cái nhìn sơ xuất mà đánh mất nhiều thứ.
6. Quá sợ dễ bị mất khí tiết
Khi bị quá sợ hãi, bị sợ hãi trấn áp nội tâm của bản thân thì sẽ dễ đánh mất nguyên tắc và lập trường của bản thân mình. Từ đó mà không thể tìm ra được lựa chọn chính xác và không cách nào giải quyết được vấn đề. Trái lại, người thực sự có ý chí mạnh mẽ sẽ ngẩng đầu, đối diện và kiên trì với nguyên tắc của mình.
7. Quá suy nghĩ thì dễ đánh mất niềm đam mê
Một khi đã có ý tưởng và đam mê thì đừng quá do dự lưỡng lự, suy nghĩ quá nhiều những phiền phức thì sẽ dễ làm mai một niềm đam mê. Cho nên, nếu đã có ý tưởng, có đam mê thì cố gắng, toàn tâm toàn ý thực hiện.
8. Quá say mê thì dễ mất đức
Khi người ta quá say mê điều gì thì thường sẽ nói lời dối trá, lời vọng ngữ, nói quá giới hạn. Cho nên, say rượu, say tình sẽ khiến con người dễ làm việc mất đức, không một ai ngoại lệ.
9. Mạnh miệng thì dễ thất tín
Người không coi nhẹ lời hứa, hứa thì tất sẽ làm, làm tất có kết quả, đó mới là chính nhân quân tử. Cho nên trước khi nói lời phải cân nhắc, suy nghĩ kỹ lưỡng. Người vỗ ngực, mạnh miệng thì dễ hứa mà không cân nhắc đến khả năng của mình nên sẽ thường không thực hiện được lời hứa, thành ra thất tín.
Người xưa có câu: “Đừng dễ dàng đem lời nói ra miệng!” Bởi vì họ quan niệm rằng, một khi lời đã nói ra khỏi miệng rồi mà không làm được thì là một việc rất đáng xấu hổ. Một người mà tùy tiện hứa hẹn, tùy tiện nhận lời nhưng khả năng lại không thể hoàn thành được thì sẽ đánh mất lòng tin ở người khác.
10. Quá ham muốn thì dễ mất mạng
Người xưa có câu: “Người chết vì tiền, chim chết vì mồi”, một số người sẽ vì ham muốn, dục vọng vô độ mà mất mạng. Người xưa cho rằng phúc báo của một người là đã được an bài sẵn dựa vào “đức” và “nghiệp” mà họ tích lũy trong vòng luân hồi đời này sang đời khác, chứ không phải do tranh giành mà được.
Lão Tử nói: “Ngũ sắc sẽ làm cho mắt bị mù, ngũ âm sẽ làm cho tai bị điếc, ngũ vị sẽ làm cho lưỡi bị tê, rong ruổi săn bắn sẽ khiến lòng người phát cuồng, của cải khó được khiến người bị tai hại.” Điều này nói cho chúng ta biết rằng, quá nhiều dục vọng sẽ làm bại hoại thân thể, thậm chí vì vậy mà bị mất mạng.
Biển chứa trăm sông, có dung nạp nên thành to lớn, không muốn lại được. Một người khi khống chế được dục vọng (sự thèm muốn, tham muốn) của bản thân thì trí tuệ được khai sáng và mạnh mẽ hơn rất nhiều.
An Hòa (biên dịch)