Khối gỗ ngọc am hóa thạch được phát hiện dưới đáy sông Cầu (Thái Nguyên) còn nguyên thớ gỗ và điều đặc biệt là có thể tự đổi màu.
Dư luận đang xôn xao về việc một khối gỗ ngọc am hóa thạch, có màu nâu và còn nguyên thớ gỗ được tìm thấy khi hút cát dưới lòng sông Cầu. Người đang sở hữu khối gỗ quý giá này là anh Vũ Đức Duân (thôn Xuân Đám, xã Đồng Liên, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên).
Anh Duân cho báo giới biết, điều kỳ lạ là khối gỗ hóa thạch này khi đưa vào bóng tối nó chuyển thành màu đen, nhưng khi đem ra ánh sáng, một lúc sau lại chuyển thành màu vàng óng.
Theo anh Duân, khối gỗ hóa thạch quý giá này được tìm thấy cùng một số khúc gỗ khác dưới lòng sông Cầu. Một số người chuyên về gỗ đến mua đã xác định gỗ hóa thạch và một số gỗ vớt cùng chính là gỗ ngọc am quý hiếm.
Được biết, đã có người Trung Quốc đến trả trăm triệu để sở hữu khối gỗ hóa thạch này. Tuy nhiên, anh Duân chưa đồng ý bán.
Về loại gỗ ngọc am, có tài liệu cho rằng, đây là loài cây thân gỗ thơm ngát, lá kim được các nhà thực vật xếp vào họ hoàng đàn. Ngọc am có tên La tinh là Cupressus funebris, người Trung Quốc gọi nó là San mộc; còn người Tày, Nùng ở vùng cao phía đông bắc nước ta gọi là Máy vạc.
Ngọc am có đặc tính càng già càng thơm, phần gốc thơm hơn phần ngọn, vùi càng lâu dưới đất càng thơm. Một công dụng khác khiến ngọc am được các đại gia ráo riết săn tìm, ấy là nó còn là một biểu tượng tâm linh. Các tượng gỗ, tượng thế, tràng hạt, gối đầu… được làm bằng gỗ ngọc am có tác dụng được cho rằng có thể đuổi tà khí, đón rước thịnh vượng về nhà, khi xưa chỉ bậc đế vương mới dám dùng.
Ngoài ra, nhiều người còn cho rằng, ngọc am có tác dụng chữa bệnh, tắm bằng bồn gỗ ngọc am giúp cơ thể thải độc tố, lưu thông khí huyết, ngăn ngừa rôm sảy, giúp tinh thần tỉnh táo… Thậm chí, hương ngọc am còn được coi như thứ mùi kỵ côn trùng, khiến ruồi muỗi bay xa.