Trong cuộc sống, chúng ta luôn gặp những sự tình xảy ra kỳ lạ đến mức không thể tin. Chúng ta cho rằng đó là ngẫu nhiên, nhưng kỳ thực đó không phải ngẫu nhiên mà là tuân theo các đạo lý, định luật, quy luật vốn có của vũ trụ.
Phong thủy học truyền thống đưa ra 9 đại định luật có thể giải thích được những điều bí ẩn này. Một người nếu hiểu rõ được 9 định luật này có thể cải thiện được vận mệnh của mình.
1. Định luật nhân quả
Trên đời này không có một sự tình nào là ngẫu nhiên xảy ra. Mỗi một sự tình phát sinh đều có nguyên nhân của nó. Đây là định luật căn bản nhất của vũ trụ. Vận mệnh của con người cũng là tuân theo định luật này.
Từ xưa đến nay, các trường phái công nhận định luật này không chỉ có Phật giáo mà còn có Cơ đốc giáo…Triết học gia Hy Lạp cổ đại Socrates và nhà khoa học vĩ đại Newton cũng công nhận đây là định luật căn bản nhất của vũ trụ.
Suy nghĩ, lời nói và hành vi của con người đều được coi là “nhân” và sẽ sản sinh ra “quả” tương ứng. Nếu “nhân” là tốt thì “quả” cũng là tốt, nếu “nhân” là xấu thì “quả” cũng là xấu.
Con người chỉ cần có suy nghĩ, tư tưởng thì sẽ lập tức không ngừng gieo trồng ra một loại “nhân”. Cho nên, “thiện nhân” hay “ác nhân” là do bản thân mỗi người quyết định.
Bởi vậy, một người nếu muốn cải mệnh của mình cho tốt hơn thì trước hết phải chú ý đến suy nghĩ của mình. Bởi vì, “tâm một khi khởi thì liền động niệm” và sẽ dẫn phát ra lời nói và hành vi tương ứng. Từ hành vi và lời nói ấy sẽ dẫn đến kết quả tương ứng.
2. Định luật hấp dẫn
Tâm niệm, tư tưởng, suy nghĩ của con người và hiện thực là luôn hấp dẫn lẫn nhau. Ví như, một người luôn tràn đầy ý niệm rằng đường đời là nhiều cạm bẫy, bước ra cửa sợ ngã, đi xe sợ tai nạn giao thông, kết giao bạn bè sợ bị lừa gạt, thì người này sẽ có nguy cơ rất cao là gặp phải những sự cố phiền phức ấy trong hiện thực. Họ chỉ hơi lơ đễnh, không cẩn thận thì liền rước họa vào thân.
Trái lại, một người luôn có suy nghĩ vui tươi, vô tư chính trực, nghĩa khí khi kết giao bạn bè thì họ sẽ dễ dàng có được những người bạn cũng có tính cách như vậy hơn so với những người không có suy nghĩ này.
Tại sao lại như vậy? Đó là bởi vì con người đều là dùng con mắt “lựa chọn” để nhìn thế giới này. Người ta chỉ nhìn đến, chú ý đến những con người, sự vật mà mình tin tưởng, đối với những sự vật mà bản thân không tin tưởng, người ta sẽ có thiên hướng không chú ý đến, thậm chí là “làm như không nhìn thấy”.
Cho nên, những điều xảy ra trong hiện thực của một người là do tâm niệm của người ấy hấp dẫn mà đến. Những điều này, kỳ thực con người cũng không khó để phát hiện ra.
Tâm niệm của một người là tiêu cực, xấu xa thì hoàn cảnh thực tế mà người ấy gặp phải cũng sẽ tương tự. Ngược lại, tâm niệm của một người là lương thiện, là tích cực thì hoàn cảnh thực tế của người ấy cũng sẽ là như vậy.
Một người nếu có thể kiểm soát được tâm niệm, suy nghĩ của mình, khiến nó luôn là lương thiện, tích cực thì cái năng lượng mà tâm niệm ấy phát ra sẽ có thể hấp dẫn được người, sự việc, sự vật có cùng đặc tính đến. Cho nên, kiểm soát được tâm niệm (tư tưởng, ý nghĩ) của bản thân sẽ có thể cải thiện được vận mệnh.
3. Định luật tin tưởng thâm sâu
Một người nếu thực sự tin tưởng thâm sâu rằng một việc nào đó chắc chắn sẽ xảy ra thì không quản việc ấy là thiện hay ác, tốt hay xấu đều sẽ xảy ra đối với người ấy.
Ví dụ, một người đang ốm đau, nếu có niềm tin chắc chắn rằng ngay ngày mai mình sẽ có sự chuyển biến tốt thì nhất định điều ấy sẽ xảy ra. Trái lại, một người đang ốm đau bệnh tật, trong tâm luôn nghĩ rằng thời gian của mình không còn lâu nữa thì người ấy sẽ rất nhanh đi đến cái chết.
Cho nên, dùng tín niệm tốt thay thế những tín niệm không tốt là nguyên tắc để cải tạo vận mệnh. Bởi vậy, người ta nói rằng, tín niệm tốt, tích cực chính là có một loại phúc. Một người muốn có thêm phúc báo thì phải lập được niềm tin tốt.
4. Định luật buông lỏng
Con người, chỉ khi ở trong tình huống buông lỏng tâm thái thì mới có thể đạt được thành quả tốt nhất. Một người có tâm thái nôn nóng, luống cuống, nóng nảy…đều sẽ đem đến kết quả không tốt.
Vậy tâm thái nào là tốt nhất? Đó chính là càng thanh khiết không có niệm càng tốt. Một người nếu có thể đặt mục tiêu muốn đạt được những điều lý tưởng trong nhân cách, cảnh giới, các mối quan hệ và cuộc sống trong suy nghĩ, rồi buông lỏng tâm thái, tinh tấn cố gắng, làm những điều nên làm, không luôn luôn nghĩ đến kết quả thì những điều ấy sẽ nhanh đến.
Trái lại, nếu người ấy càng nôn nóng nhìn thấy kết quả đạt được bao nhiêu thì sẽ càng không thể đạt được kết quả lý tưởng bấy nhiêu, thậm chí còn nhận được kết quả ngược lại.
Ví dụ: Vào một đêm nóng bức đột nhiên mất điện, mọi người nằm trên giường đổ mồ hôi đầm đìa, trằn trọc không thể ngủ được, trong đầu luôn nghĩ lúc nào mới có điện, kết quả lại thấy điện như thể là “cố tình” không đến, hơn nữa, khi con người càng bực bội thì thân thể lại càng bức bối hơn. Nhưng nếu người ấy quên đi, nằm yên tĩnh thì sẽ cảm thấy mát hơn và dường như “điện” cũng sẽ đến nhanh hơn.
Tại sao lại như vậy? Đó không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên, cũng không phải là mê tín. Đó là định luật, là định luật “buông lỏng”. Trong “Liễu Phàm tứ huấn”, thiền sư Vân Cốc muốn Liễu Phàm tiên sinh niệm chú Chuẩn đề phải đạt đến mức “vô niệm, vô nghĩ”. Đó chính là đạo lý này. Cái gọi là “vô niệm, vô nghĩ” ấy kỳ thực cũng không phải là nhất nhất rằng trong đầu não không có ý nghĩ gì hết, mà là dù có ý nghĩ nhưng cũng không để tâm, cũng có nghĩa là “không lưu luyến vào đó mà sinh ra tâm này”.
5. Định luật hiện hành
Con người không thể khống chế được quá khứ, cũng không nhất định có thể khống chế được tương lai. Điều mà con người có thể khống chế được chỉ là tâm niệm, lời nói và hành vi của mình ở hiện tại. Quá khứ đã qua và tương lai chưa tới, chỉ có giờ phút hiện tại ngay lúc này mới là chân thật. Cho nên, thời điểm trọng yếu để cải tạo và thay đổi vận mệnh chỉ có thể là hiện tại.
Một người luôn hoài niệm quá khứ, thông thường là bởi vì họ thất vọng ở hiện tại và nuối tiếc những điều tốt đẹp trong quá khứ. Hoặc vì họ không thể quên được nỗi đau thương, mất mát trong quá khứ. Căn cứ vào định luật hấp dẫn, nếu như một người luôn hoài niệm quá khứ, người ấy sẽ bị những thống khổ và tiếc nuối của quá khứ bủa vây tư tưởng và sẽ không thoát ra được trong cuộc sống hiện thực. Một người nếu luôn lo lắng, mong tưởng về tương lai thì sẽ bị cái suy nghĩ ấy hấp dẫn và đưa đến trong hiện tại.
Sở dĩ người ta nghĩ nhiều đến tương lai, thông thường là bởi vì họ mong muốn thoát khỏi tình huống hiện tại, chờ mong một điều gì đó hoặc có thể vì lo lắng điều gì đó không hay sẽ xảy ra trong tương lai. Nhưng chính vì suy nghĩ quá nhiều, họ sẽ dễ bị những tình huống không ngờ xảy ra trong hiện thực cuộc sống.
Tâm thái tốt nhất là không quản vận mệnh của mình tương lai tốt hay xấu, chỉ quản việc để tâm tu sửa lại những tư tưởng, lời nói và hành vi không tốt ở hiện tại. Như vậy, vận mệnh của họ sẽ tự nhiên phát triển theo hướng tốt lên.
6. Định luật 80/2
Định luật 80/20 có nghĩa rằng, 80% thời gian và sự cố gắng lúc đầu của một người chỉ có thể đạt được 20% kết quả. 80% kết quả nằm ở 20% thời gian và sự cố gắng về sau. Đây là một định luật vô cùng quan trọng.
Rất nhiều người bởi vì khi theo đuổi mục tiêu, mãi không thể nhìn thấy thành quả hiển hiện ra nên mất đi niềm tin và bỏ cuộc. Chúng ta cần biết rằng, cải thiện vận mệnh là một việc lâu dài, cần phải có đủ lòng kiên nhẫn thì mới đạt được.
Đừng luôn nghĩ rằng, trải qua 80% thời gian và sự cố gắng, bạn phải nhìn được thấy thành quả. Bởi vì, chỉ cần bạn đừng bỏ cuộc thì 20% thời gian và sự cố gắng phía sau sẽ có bước đột phá rất lớn và thành quả không ngờ.
7. Định luật “nên được thì sẽ được”
Hết thảy những gì mà con người nhận được đều là những điều nên được và đáng được chứ không phải là điều con người muốn mà được. Thiền sư Vân Cốc nói với Liễu Phàm tiên sinh rằng, người đáng được ngàn vàng thì sẽ được ngàn vàng, người đáng phải chết đói thì tất sẽ chết đói. Đây chính là đạo lý này.
Cho nên, một người nếu muốn cải thiện vận mệnh của mình thì nhất định phải nâng cao giá trị của mình. Khi giá trị của bản thân được đề cao lên rồi thì hết thảy những gì đáng được đều sẽ tăng lên cả về “chất” và “lượng”.
8. Định luật gián tiếp
Một người muốn nâng cao giá trị của bản thân ở cả phương diện vật chất và tinh thần thì phải thông qua việc nâng cao giá trị của người khác. Đây chính là định luật gián tiếp. Ví như, một người muốn đề cao lòng tự tôn của mình thì phải đề cao lòng tự tôn của người khác thì mới đạt được. Một người muốn có được thành tựu thì phải thông qua việc giúp người khác thành tựu thì mới có thể đạt được kết quả ấy.
Một công ty thành lập ra chỉ để tâm đến việc làm sao thu được lợi nhuận cao nhất cho bản thân mình thì thường thường sẽ chỉ tồn tại được trong khoảng thời gian ngắn ngủi mà thôi. Còn nếu một công ty luôn cung cấp sản phẩm chất lượng và dịch vụ tốt cho khách hàng, xã hội thì thông thường họ sẽ trường thịnh không suy, càng làm càng lớn. Đây chính là do tác dụng của định luật gián tiếp mang lại.
Điều đáng lưu tâm ở định luật này chính là, trong định luật gián tiếp, đề cao giá trị của bản thân và đề cao giá trị của người khác thông thường là xảy ra đồng thời. Tức là khi bạn đang đề cao giá trị người khác thì giá trị của bạn cũng lập tức được nâng lên.
9. Định luật bố thí (cho đi)
Bố thí chính là cho đi. Định luật này nói rõ một điều rằng, bạn bố thí bất luận thứ gì thì cuối cùng nó lại trở về với bạn. Ví như bạn bố thí tiền tài và vật chất thì cuối cùng bạn sẽ được hồi báo tiền tài vật chất theo cấp số nhân. Khi bạn cho đi niềm vui, sự chân thành thì người khác cũng sẽ trả lại cho bạn niềm vui, sự chân thành gấp bội.
Ngược lại, nếu bạn gây cho người khác sự bất an, oán hận, đau buồn thì tương lai bạn cũng sẽ nhận lại được điều ấy.
Vì vậy, hãy sẵn sàng cho đi tình yêu thương chân thành và những điều tốt đẹp, khi ấy dù bạn không cầu báo đáp, định luật của vũ trụ cũng tự động đền đáp trả bạn gấp bội lần.
Theo Secretchina
Mai Trà biên dịch