Người nào vào buổi sáng, thân làm việc thiện, nói lời nói thiện, ý nghĩ điều thiện, thì sẽ có một buổi sáng tốt đẹp. Người nào vào buổi trưa, thân làm việc thiện, nói lời nói thiện, ý nghĩ điều thiện, sẽ có một buổi trưa tốt đẹp.
Người nào vào buổi chiều, thân làm việc thiện, nói lời nói thiện, ý nghĩ điều thiện, sẽ có một buổi chiều tốt đẹp.
Vốn dĩ ngày lành tháng tốt là:
“Vầng sao lành, gặp điều lành. Ánh nắng lành, ngày mới lành.
Tâm nguyện lành, thế cuộc lành.
Thân tu đức, nhận được thiện báo.
An lạc, không tạp niệm, sẽ không chuốc lấy phiền não, bạo bệnh”.
Phật dạy: Người trong tâm không thiện, mưu cầu điều xấu, làm chuyện bất lương, dù ngày lành tháng tốt đến đâu cũng không thể vạn sự như ý, cuối cùng chuốc lấy thất bại cay đắng.
Những kẻ khởi sự nhưng mưu tính hại người, cuối cùng thanh bại danh liệt.
Người tính chuyện kết hôn nhưng lòng tơ tưởng người khác, không chịu tu dưỡng, cuối cùng cũng phải chịu cảnh chia phôi.
Xưa nay, ngày lành tháng tốt vốn là một quan niệm hết sức mong manh. Chúng ta thường đặt nặng yếu tố tâm linh mà quên mất một điều quan trọng dẫn đến thành công. Đó là tu dưỡng đạo đức, tiếp thu kiến thức, học hỏi quy nhân. Tâm – trí – dũng tài mới có thể làm nên nghiệp lớn.
Con người, nếu nghĩ điều thiện, không nói lời oán giận trách móc, mỉm cười xua tan mọi oán thù, có nghĩa đã tạo cho bản thân một ngày lành.
Ngày lành tháng tốt thật hư ra sao, vẫn chưa có ai kiểm chứng? Chỉ biết nhiều người khai trương vào giờ đẹp, vẫn tán gia bại sản. Đôi lứa kết duyên vào ngày cát, vẫn hai ngả hai đường.
Không có ngày nào tốt cho tất cả mọi người, hôm nay là ngày tốt đối với một người, nhưng có thể là ngày xấu đối với người khác.
Vốn dĩ đời người là một vòng tròn nhân quả, luân hồi: ác giả ác báo, thiện giả thiện lai, sinh – lão – bệnh – tử.Thế nên, con người có vô số điều nên tránh: tham lam, tà niệm, tức giận… Giữ những tạp niệm đó trong lòng, sẽ luôn sống trong sợ hãi.
Sợ mất nên mới tham lam. Sợ cô quả nên mới tà niệm. Sợ không ai hiểu nên mới sinh nộ khí. Nếu biết kiềm chế nỗi sợ hãi, con người sẽ được an lạc.
Luôn tích đức hành thiện, nói lời đẹp ý hay, mỉm cười bao dung với nhân thế, cuộc sống dẫu ngắn ngủi cũng trở nên ý nghĩa, ngập tràn niềm vui, đâu cần tính đến ngày lành tháng tốt.
Chân ngay không sợ giày lệch, thân chính không sợ bóng nghiêng, tâm chính không sợ sét đánh, người chính không sợ thế loạn. Sống ở đời, ngay chính là điều mỗi người cần khắc cốt ghi tâm.
Làm người, bất cứ khi nào cũng phải ghi nhớ, sống lương thiện, tu dưỡng thiện tâm. Đừng bao giờ quên, thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo.
Cuộc sống, không làm chuyện thẹn với lòng, thì cũng không sợ nửa đêm quỷ ma gõ cửa. Không kết ân oán với người, sống tốt một đời sẽ bình an.
Làm người không khó, chỉ cần không làm chuyện dối lòng, không nói lời bất hảo, không kiếm tiền bất chính, thế là được.
Bạn thành tâm, người khác sẽ thấy, gặp hoạn nạn ắt sẽ có bạn bè cùng gánh đỡ; giả tạo trước mặt người, xung quanh sẽ chỉ toàn người dưng.
Cổ nhân dạy: làm việc thiện được thiện báo, làm điều ác gặp ác báo, nhà nào tích thiện nhà đó được may mắn, nhà nào hành ác sẽ gặp tai ương.
Trên đầu 3 thước có thần linh, ông trời có mắt, con người có cảm, muốn người khác không biết trừ phi mình đừng làm.
Vậy nên chớ nên nghĩ rằng làm việc xấu không ai biết sẽ không sao, thiện ác hữu báo, tất cả đều phải hoàn trả. Trong cuộc sống muốn an lòng, thì phải coi trọng chữ “lương tâm”.
Người trên thế gian chỉ có một thước đo chung là nhân phẩm. Muốn đắc may mắn hay chiêu mời tai họa tất cả đều là do nhân tâm của một người như thế nào, vì vậy từ xưa đến nay người ta đều khuyên con người hướng thiện, cũng không phải là không có nguyên nhân. Sống thật tốt, tu dưỡng thiện tâm thì ngày nào cũng là ngày lành cả!