Không phải ai cũng có thể giả ngu để cuộc sống của mình đỡ mệt mỏi được, người giả ngu ắt hẳn là người thông minh.
Được gợi ý từ một vị ẩn sĩ, Trịnh Bản Kiều đã để lại câu danh ngôn thiên cổ: ‘Nan đắc hồ đồ’ nghĩa là rất khó để có được sự “hồ đồ” (giả ngốc). Con người ngày nay không ai chịu chấp nhận thua thiệt và luôn có xu hướng muốn chứng minh thể hiện, luôn muốn phô bày những gì mình thông thạo, muốn tính toán chi li thiệt hơn, nên nếu có thể thực sự làm được một người hồ đồ không toán tính, mà vẫn thấy hài lòng thì mới là khó nhất. Chúng ta cùng tìm hiểu xem, vậy trí tuệ thâm sâu của người ‘hồ đồ’ là như thế nào.
Có một cậu bé người Mỹ tên Wilson, thoạt nhìn rất khờ khạo, do đó rất nhiều người trong thị trấn thích đùa với cậu, giống như là nhân vật hề mua vui cho mọi người. Một ngày nọ, bạn cùng lớp của Wilson cầm trên tay một đồng 1 đô la và một đồng 5 cent, rồi hỏi Wilson là chọn đồng tiền nào. Cậu bé Wilson lúc đó đã không cần suy nghĩ mà trả lời ngay: “Tớ chọn đồng 5 cent.” Bạn học cười khoái trí nói: “Ha ha, cậu ấy không chọn 1 đô la mà lại chọn đồng 5 cent.” Sau đó tất cả học sinh trong trường đã lan truyền nhau chuyện cười này. Rất nhiều người đã không tin, sao Wilson lại ngốc đến vậy, họ đã đem tiền đến trước mặt Wilson để kiểm nghiệm, nhưng lần nào cũng nhận được cùng một kết quả. Mỗi lần cậu đều nói: “Tớ muốn 5 cent.” Tất cả ọc sinh của trường đều dùng cách này để kiểm tra và sau đó mỗi người rời đi với nụ cười của sự hài lòng.
Cuối cùng, câu chuyện đã đến tai của thầy giáo. Ở trước mặt Wilson, thầy giáo hỏi: “Chẳng lẽ trò không phân biệt được giá trị lớn nhỏ của đồng 1 đô la và 5 cent sao?”
Trò Wilson đáp: “Đương nhiên là trò biết rõ ạ. Nếu như trò chọn đồng 1 đô la thì sẽ không có nhiều người mang tiền đến để thử, như vậy trò cũng không thu được lợi nhuận từ đồng 5 cent.”
Người thầy nghe xong như bừng ngộ ra một đạo lý lớn. Wilson không đặt sự thông minh vào món lợi nhỏ mà suy nghĩ về cái ngốc của người thông minh. Khoảng 45 năm sau, ông đã trở thành tổng thống thứ 28 của nước Mỹ.
Nếu để ý và quan sát con người ngày nay, hẳn chúng ta sẽ nhận ra xã hội có tồn tại rất nhiều người thông minh, họ phán đoán suy nghĩ của người khác một cách nhanh chóng và không bao giờ bị mắc lừa. Họ tính toán chi li, so đo từng chút để làm sao không thua thiệt, không bị người lừa gạt. Nhưng họ đã quên câu: “Thông minh quá sẽ bị thông minh hại.” Nếu chứng kiến trực tiếp những việc người thông minh làm, chúng ta sẽ phát hiện, bởi vì quá thông minh nên người này thường bị người khác phòng bị.
Kỳ thực, thông minh cũng không phải là xấu. Tuy nhiên, đôi khi trong cuộc sống lại cần chúng ta ngốc một chút mới tốt, hơn thế, làm được người thông minh giả ngốc quả không dễ dàng.
Cho nên, người xưa cho rằng người thông minh nhưng giả ngốc mới là đạo xử thế của nhà thông thái. Giả thiếu hiểu biết khiến mọi việc được tiến triển thuận lợi hơn. Biểu hiện của ngốc nghếch ở người thông minh chính là một loại trạng thái bình tĩnh, không hiểu cái đạo lý của người đại ngốc thì khó thành tựu đại sự.
Phú Bật thời Bắc Tống khi còn trẻ, ông đang đi bộ trên đường phố thành Lạc Dương thì bỗng nhiên có một người mắng chửi ông. Một người đi đường đã ghé tai Phú Bật mà nói nhỏ: “Chàng trai trẻ, có người đang mắng chửi cậu kìa.” Phú Bật nghe xong liền nói: “Hình như là mắng người khác đó.” Người đó lại nói: “Người ta còn gọi tên của cậu mà chửi đó.” Phú Bật suy nghĩ một chút rồi nói: “Có lẽ là mắng người khác, rất có thể người đó trùng tên họ với tôi.” Sau đó, người mắng chửi Phú Bật nghe được phản ứng của ông nên thấy rất hổ thẹn, đến xin lỗi Phú Bật. Ngay từ khi còn trẻ, Phú Bật đã biết cái đạo của người ngốc đủ cho thấy sự thông minh cơ trí của ông. Có vị trí giả nói, nếu như trên đường phố có người bỗng dưng mắng chửi anh ta, anh ta cũng không ngoái đầu nhìn bởi vì anh không muốn biết người mắng mình là ai. Đời người quá ngắn ngủi và quý giá, việc cần làm lại quá nhiều, sao phải vì điều khó chịu mà lãng phí thời gian? Vị trí giả này cũng giống với Phú Bật, họ hiểu rõ cái cốt lõi của lý “Làm người ngốc mới khó”.
Kỳ thực, học được trí tuệ của người đại ngốc nghĩa là không để tâm vào những chuyện vụn vặt, không muốn tìm câu trả lời đối với chuyện cỏn con, không so đo chi li, lùi một bước biển rộng trời cao. Mọi sự việc đều theo thời gian mà được làm sáng tỏ hoặc là chúng từ từ trở nên mờ nhạt, hoặc hóa giải từ từ và sẽ có được câu trả lời đúng đắn.
Có những sự việc, nếu chúng ta làm được “nhắm một mắt mở một mắt” đúng thời điểm, như vậy chúng ta đã đang làm người thông minh mà giả ngốc rồi. Nếu có người nào đó nói với bạn rằng, một người khác đang công khai nói xấu bạn sau lưng. Bạn sẽ phản ứng như thế nào? Rất có thể bạn sẽ bực mình và đi hỏi cho rõ ràng mọi chuyện. Nếu làm vậy thì bạn không những chỉ làm xấu hình ảnh của mình mà còn khiến sự tình nghiêm trọng hơn và làm tăng thêm sự bực tức khó chịu cho bản thân. Quan hệ giữa người với người thật khó để không phát sinh mâu thuẫn, không gây nên những rắc rối từ việc tính toán được mất khiến tức khí nổi lên làm hại tinh thần và sức khỏe. Nếu làm được ngốc một chút thì bao phiền não sẽ không còn đất sinh sôi phát triển.
Do đó chúng ta có thể thấy, đắc thân người đã khó, làm người hiểu biết khó, làm được người ngốc nghếch càng khó hơn. Kiếp nhân sinh khó học được cái đạo lý của giả ngốc, nhưng lại quý bởi sự khờ khạo, vui vẻ cũng bởi biết ngốc dại. Nếu như bạn hiểu được cái đạo của người giả ngốc, bạn sẽ hiểu thấu một cảnh giới khác của đại trí tuệ.