Trên bầu trời thiên văn, hai mươi tám vì tinh tú phân thành bốn chòm sao Thanh Long, Bạch Hổ, Chu Tước, Huyền Vũ. Người ta gọi bốn chòm sao này là tứ tượng. Không dừng lại ở Thiên văn học, tứ tượng được ứng dụng ở nhiều lĩnh vực khoa học dự đoán khác.
Khái niệm và Tứ Tượng trong phong thủy
Trong Thiên văn, hai mươi tám ngôi sao gọi là Nhị thập bát tú là một hệ thống tinh diệu có thật trên bầu trời được các nhà thiên văn cổ đại quan sát phát hiện ra. Hai mươi tám sao này phân thành bốn chòm trong Tứ Tượng.
- Thanh Long ở phía Đông, thuộc hành Mộc gồm có các sao: Giác, Cang, Đê, Phòng, Tâm, Vỹ, Cơ.
- Bạch Hổ ở phương Tây, thuộc hành Kim gồm có các sao: Khuê, Lâu, Vị, Mão, Tất, Chủy, Sâm
- Chu Tước ở phương Tây, thuộc hành Hỏa gồm có các sao: Tỉnh, Quỷ, Liễu, Tinh, Trương, Dực, Chẩn
- Huyền Vũ ở phương Bắc, thuộc hành Thủy gồm có các sao: Đẩu, Ngưu, Nữ, Hư, Nguy, Thất, Bích
Việc quan sát tứ tượng, cùng các tinh tú trong hệ thống nhị thập bát tú trong quá trình vận hành chuyển động của chúng có thể sử dụng để lựa chọn ngày tốt, ngày xấu, xác định thời gian, mùa vụ phục vụ cho canh tác nông nghiệp, dự báo những biến động thời tiết, hay biến động của cuộc sống xã hội, cũng như nền kinh tế chính trị thời đại cổ. Theo Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, một tác phẩm được đánh giá là bảy thực ba hư có đoạn:
“Ta coi thiên văn, thấy sao Tất qua vào phận Thái âm, trong tháng này mưa dầm cả tháng… Chưa đầy nửa tháng, quả nhiên trời đổ mưa dầm, như tầm như tã. Ngoài thành Trần Thương nước ngập sâu ba thước, đồ quân nhu ướt sạch, người không ngủ được, đêm ngày lo lắng…” (Trích Tam Quốc Diễn nghĩa hồi 99 – La Quán Trung)
Như vậy, ý nghĩa Tứ tượng có tầm quan trọng trong vấn đề xác định thời gian, mùa vụ, dự báo thời tiết và các biến động về kinh tế, xã hội. Trên một số lĩnh khác, Tứ tượng cũng được vận dụng phổ biến.
Phong thủy Loan đầu là một trường phái Phong thủy chuyên đi sâu nghiên cứu về mối quan hệ giữa địa hình, địa thế, diện mạo, cảnh quan, sống núi, hướng gió đối với cát hung của nhà cửa hay âm trạch. Theo phái Phong thủy này thì phương tọa, đằng sau của căn nhà cần có địa thế cao, bền vững và người ta gọi phương vị này là Huyền Vũ, phía trước sau một khoảng minh đường là phần Chu Tước, phần nào cần thấp, thông thoáng, có nhiều biến động mới có thể chiêu tài tụ khí và phát triển mạnh được. Bên phải là Bạch Hổ, bên trái là Thanh Long. Hiện nay có nhiều tài liệu chưa thống nhất về Thanh Long ở chỗ có phái nói là khu vực này cần tĩnh, nên trồng cây hoặc đắp giả sơn, có người cho rằng Bạch hổ cần tĩnh, nên có địa thế cao còn Thanh Long cần động, là chỗ thấp trũng, có nước chảy, khe ngòi hoặc phương tiện giao thông và hoạt động của con người mạnh mẽ.
Bằng cặp mắt tinh vi, sắc sảo của nhiều nhà Phong thủy, địa lý nên họ xem xét tỉ mỉ về địa thế, hình dáng núi non, các phương vị ứng với tứ tượng trong phong thủy trên để biết sự hoàn thiện hay khiếm khuyết từ đó đoán định cát hung, họa phúc của căn nhà hay công trình kiến trúc, âm trạch…
Ý nghĩa hình tượng tứ linh trong Tứ Tượng về phương vị
Tứ tượng ngoài việc miêu tả đằng trước, đằng sau, hay nói tóm lại là cảnh quan xung quanh của công trình kiến trúc thì nó còn mang ý nghĩa về phương vị và có đặc điểm về âm dương ngũ hành cũng như màu sắc biểu tượng
- Thanh Long trong phong thủy: Thuộc phương Đông, biểu tượng là con rồng xanh, mang lại may mắn, cát lợi, thuộc hành Mộc ứng với màu xanh và mùa xuân
- Bạch Hổ trong phong thủy: Thuộc phương Tây, biểu tượng là con hổ trắng, tạo nên sự oai nghiêm, lạnh lùng, thuộc hành Kim có màu sắc trắng và chỉ về mùa thu
- Chu Tước trong phong thủy: Thuộc phương Nam, biểu tượng là con chim sẻ, hành Hỏa, màu đỏ, tượng trưng cho sự tiến tình, tốc độ, biến động…
- Huyền Vũ trong phong thủy: Thuộc phương Bắc, biểu tượng là con rùa thần, hành Thủy, màu sắc đen, tượng trưng cho tính chất thần bí, sâu sắc…
Thời xưa, khi lập trận thế trong quân sự người ta cũng phân ra tả đội, hữu đội, tiền đội, hậu đội. Ứng dụng tứ tượng vào việc chiến thuật, chiến lược trong quân đội, ngày nay, trong thời kỳ hiện đại, vũ khí và kỹ năng tác chiến đã khác hẳn đời xưa, nên vì thế phương pháp thiết lập đội hình đội ngũ này không còn được sử dụng nữa
Theo quan niệm dân gian thì tứ tượng này cai quản bốn phương trời đất và là linh vật, là các thần cai quản các công việc khác nhau:
- Thần Thanh Long: Cai quản việc quân sự, tâm linh thần bí
- Thần Bạch Hổ: Cai quản biên cương, đồn lũy quân sự
- Thần Chu Tước: Cai quản ánh sáng, năng lượng, sự sinh sôi, phát triển
- Thần Huyền Vũ: Quản lý tuổi thọ, phước đức, sự may mắn…
Tương truyền, cuối thời Tùy đầu thời Đường danh tướng La Thành là sao Bạch Hổ giáng hạ nên ông này dũng cảm thiện chiến vô cùng, thường lập được nhiều công lao lớn. Vẻ mặt của ông lạnh lùng, toát ra khí chất tuổi trẻ anh dũng tài ba, người ta gọi là “lãnh diện, ngân thương”. Đơn Hùng Tín cũng là một người nghĩa hiệp đương thời hóa thân của sao Thanh Long giáng thế, sắc mặt xanh, hào hiệp trượng nghĩa, về sau Đơn Hùng Tín qua đời, nhân dân thành Lạc Dương thờ ông là Thành hoàng
Từ hiện tượng thiên văn có thực trong tự nhiên, các nhà lý số lồng ghép, vận dụng và tạo nên tứ tượng với nhiều ứng dụng trong các môn khoa học dự đoán như phong thủy. Vậy bài viết này đã giải đáp chi tiết cho quý bạn về Tứ Tượng, ý nghĩa của Tứ Tượng trong phong thủy, các tứ linh như Thanh Long, Bạch Hổ, Chu Tước, Huyền Vũ thật chi tiết nhất.