Không phải người có sức khỏe đáng nể nhất, cũng chẳng phải người nhiều tiền của nhất, theo Đức Phật có một kiểu người đặc biệt sẽ luôn là người chiến thắng sau cùng.

Một hôm, Đức Phật đang đi thuyết giảng ở Jeta Grove, Sravasti (một thành phố cổ ở Ấn Độ thời cổ đại và là 1 trong 6 thành phố lớn nhất khi Đức Phật còn sống), có một nhà sư đã hỏi Đức Phật rằng trên đời này ai là kẻ mạnh nhất, hay nói cách khác, ai mới là người chiến thắng sau cùng.

Trước khi trả lời câu hỏi này, Đức Phật đã kể cho họ nghe câu chuyện về cuộc chiến giữa thần Indra (Đế Thích Thiên, còn gọi là thần sấm sét, một trong các vị thần tối cao của đạo Hindu) và các vị thần Asura (còn gọi là các Ác thần).

———————————–***————————————

Một ngày nọ, thần Indra mới nói với vua của các thần Asura rằng: “Hôm nay, ta không nên dùng sự giết chóc để phân định thắng thua, thay vào đó là bằng cách tranh luận có được không?”

Vua của các vị thần Asura trả lời: “Được thôi, nhưng ai sẽ là người phân định thắng thua?”

Thần Indra nói rằng: “Hai bên của chúng ta đều có những người có trí tuệ siêu việt, hãy để họ cùng quyết định xem ai sẽ là người chiến thắng”.

Vua của các vị thần Asura thấy hợp lý nên dõng dạc: “Vậy ngươi hãy nói trước đi”. Tuy nhiên, thay vì đồng ý, Thần Indra lại khiêm tốn đáp lời: “Ta có thể nói trước, nhưng vì ngươi từng là vua của bầu trời nên ngươi hãy nói trước đi”.

Vua của các vị thần Asura nói: “Những kẻ để người khác sỉ nhục mình mà không phản ứng, vỗ ngực tự hào rằng sự khoan dung của mình khiến anh ta ở đẳng cấp cao hơn so với kẻ hung hăng kia thực chất chỉ là những kẻ ngốc nghếch và yếu thế”.

Thần Indra đáp lời: “Cứ cho là anh ta ngốc nghếch và yếu thế đi, nhưng chính sự khoan dung ấy lại đem đến cho chúng ta những lợi ích lớn nhất. Khoan dung chính là đức tính tốt đẹp nhất của con người. Nó còn tuyệt vời hơn cả tất cả những danh tiếng hay của cải trên thế giới này cộng lại”.

Vua của các vị thần Asura lại nói: “Đã không khôn ngoan gì thì những kẻ ngốc cần phải hành động cho đúng đắn. Chúng giống như những con bò lười biếng cần những con bò nhanh nhẹn hơn dùng sừng thúc đẩy. Do đó, cách tốt nhất để kiểm soát những kẻ ngốc nghếch và lười biếng là phải dùng roi vọt”.

Thần Indra lại phản bác: “Theo ta cách tốt nhất để đối đãi với những kẻ ngốc là dùng sự kiên nhẫn. Khi gặp một người đang kích động, nếu anh có thể chờ đợi trong sự im lặng thì cơn tức giận của anh ta sẽ dần dần dịu đi. Một người không giận dữ hay thù ghét ai chính là một vị thánh hoặc là đệ tử của một vị thánh.

Đây chính là người mà chúng ta nên ở bên. Một người mà đầu óc lúc nào cũng chỉ có sự tức giận, dễ nổi cáu sẽ gặp phải những trở ngại sừng sững như núi.

Ngược lại, nếu ta có thể kiềm chế cơn giận ngay khi nó xuất hiện, giống như dùng yên cương để thuần hóa một con ngựa hoang nghĩa là chúng ta đã làm được một việc tốt, cuộc đời lúc nào cũng sẽ bằng phẳng, thênh thang.”

Các vị thần của cả 2 bên có nhiệm vụ phân định thắng thua đều cho rằng những lý lẽ của Vua của các vị thần Asura được dựa trên sự xung đột và sự ép buộc, còn thần Indra lại chủ trương dùng sự kiên trì và bình tĩnh để giải quyết mâu thuẫn. Chính vì thế, họ đã trao chiến thắng cho thần Indra.

———————————–***————————————

Sau khi kể xong câu chuyện, Đức Phật mới nói rằng: “Vậy các ngươi đã hiểu ai sẽ là người chiến thắng sau cùng rồi chứ? Người không để bụng, không giận dữ, không thù ghét hay oán trách những sai lầm của người khác, luôn dùng sự vô tư, khoan dung và vui vẻ của mình để đối đãi với chúng sinh như thần Indra chính là những người chiến thắng sau cùng”.

Lời bàn: Tức giận trước những điều không theo ý mình là cách phản ứng dễ dàng nhất, làm thế nào để kìm chế, không cho nó gây ra những hậu quả khôn lường cho đối phương và cho chính bản thân ta mới là điều khó, làm sao để không oán hận và tha thứ cho những lỗi lầm của người khác thì càng khó hơn. 

Và những người làm được những điều khó khăn ấy, hẳn nhiên sẽ nhận được sự tôn trọng, nể phục, thậm chí là biết ơn của những người khác. Vậy họ cần gì phải tranh chấp nữa? Họ chính là những người chiến thắng tất cả, chiến thắng sau cùng.

Theo Spiritual Short Stories