Hi vọng thông qua ba câu chuyện có thật dưới đây, bạn sẽ hiểu ra được ý nghĩa thực sự của cuộc sống và để mỗi ngày của mình đều có thể trôi qua thật vui vẻ, thật xứng đáng.
Câu chuyện số 1
Năm ấy tôi 18 tuổi, tất cả các bạn học đều chuẩn bị hành lí rời quê hương lên thành phố nhập học Đại học, còn tôi thì lựa chọn rẽ sang một con đường khác.
Năm tôi 22 tuổi, tất cả các bạn học đều khoác lên mình chiếc áo cử nhân, vui vẻ hân hoan trong ngày tốt nghiệp Đại học. Còn tôi thì mặc bộ đồng phục của nhân viên đo lường số liệu trên dây chuyền lắp ráp.
Năm 28 tuổi, tôi hạnh phúc khi lần đầu tiên trong đời được thăng chức.
Năm 33 tuổi, tôi kết hôn. Tôi cũng là người cuối cùng trong lớp từ giã đời độc thân.
Năm 34 tuổi thì sinh con đầu lòng.
Năm 35 tuổi mới phát hiện ra niềm hứng thú của bản thân mình là gì và 36 tuổi bắt đầu lên kế hoạch theo đuổi nó.
Tiết tấu trong đời tôi có lẽ luôn chậm hơn người bình thường nửa nhịp.
Tôi sẽ nghĩ rằng, nếu như tôi được làm lại từ đầu một lần, cuộc đời tôi có thể nào sẽ khác đi không? Nỗ lực học hành, thi đậu Đại học, tìm một công việc cao cấp, sớm gặp được một người đàn ông ưu tú, trải qua một cuộc đời mà người khác luôn mong đợi?
Tuy nhiên nghĩ đi nghĩ lại thì có lẽ, mỗi một bước đi trong đời đều là sự ban ơn của vận mệnh. Có nếm trải những đau khổ trong đời mới hiểu ra nỗ lực quan trọng nhường nào.
Có bước qua những con đường gập ghềnh, trắc trở mới biết rõ bản thân cần sống ra sao.
Tôi giờ đây ở tuổi 36 mới đột nhiên giác ngộ ra một điều, rằng cuộc sống của tôi thực sự chỉ vừa mới bắt đầu. Chẳng cảm thấy muộn màng, chỉ cần có phương hướng, thì cứ thế mà tiến về phía trước là được. Chỉ cần cuối cùng có thể đi đến được cái đích do mình đặt ra thì tôi sẽ chẳng thấy nuối tiếc gì nữa.
Câu chuyện số 2
Có một lần tôi đến nhà bạn chơi, nhìn thấy trên bàn trà có chiếc chìa khoá xe hơi. Tôi chơi với cô ấy cũng đã 2-3 năm rồi, chưa bao giờ biết chuyện nhà cô ấy có xe hơi, cũng chưa từng nghe cô ấy kể qua về chuyện này.
Sau đó cô ấy giải thích rằng, vốn dĩ nhà cô ấy không cần thiết phải có xe hơi, chẳng qua là vì mặt mũi mà phải sắm sửa. Mấy người anh em của chồng cô ấy ai nấy kết hôn xong cũng đều mua nhà mua xe. Đến lượt anh ấy kết hôn nếu không có như người ta thì sẽ cảm thấy rất mất mặt. Vì vậy, hai vợ chồng phải cùng đi vay để mua chiếc xe này.
Mua xe xong, ngoại trừ một năm hai lần đi ra ngoại thành chơi, còn lại thì đều để trang trí, chẳng lái đi đâu. “Chúng tôi không biết đi đâu cũng không có gì lạ. Nhưng mỗi tháng tiền phí gửi xe, rồi phí bảo dưỡng đều tiêu tốn một số tiền không nhỏ. Bây giờ hai vợ chồng muốn ra ngoài ăn ngon, sắm vài bộ đồ đẹp nhưng chỉ cần nghĩ đến chuyện chi tiêu cho chiếc xe thì mọi ý muốn đều bị dập tắt ngay”.
Bởi thế, việc lắng nghe những yêu cầu bên trong chính mình, từ nội tâm hướng ra bên ngoài tìm kiếm giá trị sống mới có thể cảm nhận được những vui vẻ đích thực. Đi theo nhịp sống của người khác, từ bên ngoài hướng vào nội tâm để điều chỉnh nhịp sống của mình, cứ như vậy sẽ rất dễ bị người khác lôi kéo.
Điều ngu ngốc nhất trong tất cả mọi chuyện chính là chúng ta cứ nhiệt tình đi làm những chuyện đó nhưng lại hoàn toàn không biết tại sao mình phải làm.
Tương lai của chúng ta không phải do người khác quyết định làm như thế nào, mà là chính chúng ta quyết định nó. Nhận định tiêu chuẩn của hạnh phúc không phải là bạn sở hữu được bao nhiêu món đồ, mà chính là bạn có thể nhìn thấy bản thân mình muốn có được bao nhiêu thứ.
Câu chuyện số 3
Tôi có một thầy giáo cấp 3, thầy đã đào tạo ra rất nhiều học sinh ưu tú. Năm đó, trường học trong thị trấn của chúng tôi bị giải thể, thầy giáo cũng vì thế mà thất nghiệp. Một cậu bạn chung lớp của tôi nay đã là Giám đốc nói với thầy giáo rằng: “Thầy ạ, hay là thầy đi theo em lập nghiệp đi. Bảo đảm tiền đồ tươi sáng hơn thầy đi dạy học nhiều lắm”.
Thầy giáo liền từ chối, tìm cho mình một trường tiểu học và tiếp tục công việc gõ đầu trẻ. Thầy không cảm thấy bản thân có tài mà không thể phát huy, cuộc đời này của thầy ấy chính là muốn gắn liền với những đứa trẻ. Thầy nói trẻ con cũng giống như mầm non của đất nước, thầy muốn uốn nắn chúng, nâng đỡ chúng có thể đi con đường chính đạo.
“Danh lợi vật chất này là của em, nhưng học trò khắp thiên hạ là của tôi”.
Vài năm sau, người bạn học kia trở thành một doanh nhân nổi tiếng, rất nhiều người đều nói thật tiếc cho người thầy giáo kia. Nếu như không phải vì tính cố chấp, thì bây giờ người ở nhà cao, ngồi xe đẹp kia chính là ông rồi.
Người thầy nghe thấy liền cười ha ha, không buồn giải thích.
Không phải là cá, làm sao hiểu được niềm vui của cá? Một người trước giờ chưa từng nghĩ đến món đồ mình muốn đạt được có hình dáng thế nào, thì cũng sẽ không hiểu được cảm giác mất đi. Cũng không phải vì bản thân chưa từng có được món đồ đó mà trở nên đau khổ.
Có rất nhiều lúc, chúng ta không phải đang truy cầu hạnh phúc, mà là liều mạng truy cầu làm sao để hạnh phúc hơn người khác. Bị nhịp sống của người khác quấy nhiễu, sẽ rất dễ đánh mất đi chính mình.
Vậy thì, bạn lựa chọn đem số phận đặt trong tay mình hay tay người khác? Khổ – lạc – bi – hoan trong đời, đều là do những sách lược lớn nhỏ trong cuộc sống mang lại. Mỗi một quyết định đều có khả năng thay đổi hướng đi trong đời của chúng ta. Kết quả này đều dựa vào kinh nghiệm của bản thân, người khác không có cách nào thay thế chúng ta làm điều này được. Có thể vì cuộc đời của chúng ta mà chịu trách nhiệm, mãi mãi cũng chỉ có chúng ta mà thôi.
Đời người rất dài, bạn có thể mãi mãi đi theo trái tim của mình được không? Có thể không bao giờ phụ lòng những hi vọng của cuộc sống đối với bản thân mình không? Có thể tìm kiếm sự xứng đáng cho chính mình?
Thành công không phải hơn thua với người khác việc ai có nhiều tiền hơn, ai nổi tiếng hơn, mà là: bạn biết làm sao để sống và chăm chỉ, nỗ lực theo con đường riêng của bạn.
Hạnh phúc không phải việc có được sự khen ngợi, hò reo của người khác, mà là: không phụ lòng với mỗi ngày bạn sống, không thấy hối tiếc vì điều đó.
Đó mới chính là nghĩa vụ mà chúng ta phải đối với bản thân mình từng ngày. Hãy sống để chính mình hạnh phúc, đừng sống để người khác ngưỡng mộ.