Theo ngọc phả của làng Dương Phạm, vào năm 1471, Nhị cung phi tần mất, vua Lê Thánh Tông đã đưa bà về an táng tại quê nhà. Bên cạnh mộ của bà trồng một cây Mộc Hương. Từ đó đến nay cây Mộc Hương vẫn sừng sững tồn tại cùng thời gian.
Cây Mộc Hương mà vua Lê Thánh Tông mang trồng bên cạnh mộ của Nhị cung phi tần vào năm 1471 chính là cây Dã hương, hay còn gọi là long não, một loài cây quý hiếm đã được ghi trong Sách Đỏ thế giới hiện nay.
Câu chuyện về Nhị cung phi tần xinh đẹp
Theo tương truyền, vào đời vua Lê Thánh Tông, ở làng Dương Phạm (nay thuộc xã Yên Nhân, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định), có một gia đình nghèo sống bằng nghề mò cua bắt ốc. Một hôm người vợ mơ thấy có ánh hào quang sáng rực ở đầu giường. Sau 18 tháng mang thai, vào năm 1449, bà mới sinh ra một người con gái khỏe mạnh, trắng trẻo và lớn lên có nhan sắc tuyệt trần. Hai vợ chồng đã đặt tên người con gái là Ngô Thị Nữ Hoằng.
Nhà vốn nghèo khó nên người con gái họ Ngô sáng tối ra đồng mò cua bắt ốc phụ giúp gia đình. Không những tính siêng năng, cô gái họ Ngô còn được trời phú cho bản tính thông minh, thêu thùa và ca hát rất giỏi.
Đến năm 1468, lúc người con gái họ Ngô tròn 19 tuổi. Vào một ngày đi cắt cỏ bên cửa sông Đại An, trong lúc cô ca hát cùng các cô gái khác, trên sông xuất hiện một chiếc thuyền rồng. Khi chiếc thuyền rồng đi qua thì có một anh lính trên thuyền cất lời trêu rằng:
Hỡi cô cắt cỏ bên sông
Có ngại thuyền rồng anh đón đi chơi
Trong khi các cô gái khác chưa hiểu chuyện gì thì thiếu nữ họ Ngô đã cất lời:
Tay cầm bán nguyệt xênh xang
Lòng em cũng muốn mở mang cơ đồ
Đang ngự trong thuyền, nghe lời đối của cô gái, vua Lê Thánh Tông lấy làm ngạc nhiên, nên vén tấm rèm nhìn về phía cô gái. Vua khẽ thốt lên khi thấy vẻ đẹp tuyệt trần của cô. Đặc biệt, trên đầu của cô luôn có đám mây đi theo để che nắng. Biết cô là người tài nên mấy ngày sau, vua đã cử người về đón cô gái vào cung và phong làm “Nhị cung phi tần”.
Khi vào cung, Nhị cung phi tần được mọi người vô cùng quý mến và sùng ái. Nhưng ba năm sau, do bị bệnh nặng nên Nhị cung phi tần mất. Trước khi mất, Nhị cung phi tần có nguyện vọng là sẽ được an táng tại quê nhà. Thể theo nguyện vọng của bà, nhà vua đã làm 9 chiếc quan tài đồng giống hệt nhau, nhưng chỉ duy nhất một chiếc là có thi hài của bà.
Nhà vua đã đưa linh cữu của bà về làng Dương Phạm an táng, nhưng khi đến quê nhà của bà thì trời tự nhiên nổi dông tố, trời đổ mưa như trút nước, nhà vua phải sai quân lính dựng tạm một cái lán để che chắn. Sáng hôm sau, trời quang mây tạnh. Lúc nhà vua đến nơi đặt linh cữu Nhị cung phi tần, đất đùn to như một đống mối, che gần kín quan tài.
Vua biết đây là nơi Nhị cung phi tần chọn để “ngự” thuộc khu đất hình đầu rồng nên quyết định cho quân lính mang đá ngũ sắc xây mộ an táng bà tại đây. Sau đó dựng một ngôi đền thờ lấy tên là Đền Hoàng Cô. Cả ngôi mộ và ngôi đền lúc đấy đều hướng về phía Bắc.
Bên cạnh ngôi mộ của Nhị cung phi tần vua cho trồng một loại cây có lá xanh mướt, tỏa mùi hương thơm ngát. Lúc bấy giờ thì vua gọi cây này tên là Mộc hương.
Cây Dã hương cổ thụ sừng sững cùng thời gian
Sau khi trồng cây Mộc hương, do dân làng không biết nên gọi cây mà nhà vua trồng bên cạnh mộ của Nhị cung phi tần là cây Xoan dã. Cây Xoan dã và khu vực thờ Nhị cung phi tần được dân làng vô cùng sùng bái. Hơn 500 năm qua, trải qua biết bao thăng trầm, biến cố của lịch sử cũng như thời tiết nhưng cây Xoan dã vẫn sừng sững cùng thời gian.
Năm 2007, ông Nguyễn Trung Kiên (76 tuổi) làm trưởng ban trông coi của Đền Hoàng Cô. Vốn là người đam mê cây cảnh, lại hay xem sách báo nên tình cờ ông đọc được bài báo viết về cây Dã hương ở Bắc Giang. Nhìn ảnh của cây Dã hương ông thấy có nét tương đồng với cây Xoan dã bên cạnh ngôi mộ của Nhị cung phi tần. Càng xem ông càng thấy tò mò nên ông quyết định lên Bắc Giang một lần để đối chứng.
Ông Kiên cho biết: “Lúc đọc được bài báo nói về cây Dã hương ở Bắc Giang, tôi thấy nó giống hệt cây Xoan dã, nên tôi mang lá, hoa, và cả một đoạn gỗ cây bị bão đánh ngã đem đi so sánh. Khi lên đến Bắc Giang, ngồi ở quán nước một số người còn bảo tôi mới ở chỗ cây Dã hương về à? Lúc đó tôi mừng lắm! Sau đấy tôi đi cùng con trai và một anh công an Bắc Giang là bạn của con trai tôi đến nơi đối chứng thì thấy cả hoa, lá và gỗ đều giống hệt nhau. Lúc đó tôi mới tin thật sự là làng chúng tôi đang có một cây Dã hương quý hiếm.”
Về đến nhà, ông Kiên lập tức đi báo lên chính quyền xã, hội sinh vật cảnh Nam Định về cây Dã hương ở Đền Hoàng Cô. Ngay sau đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao nhiệm vụ cho một đơn vị trực thuộc có chức năng nghiên cứu về cây. Kết quả nghiên cứu đã khẳng định, cây Xoan dã ở Đền Hoàng Cô là cây Dã hương, một loài cây thuộc họ long não đã được ghi trong Sách Đỏ thế giới.
Nhìn từ xa, cây Dã hương bao trùm cả một vùng rộng lớn, tỏa rợp cả một vùng trời. Cây ôm choàng lấy ngôi Đền Hoàng Cô. Gốc cây có bộ rễ nổi, đua lên như những càng cua. Trên thân cây có cây xanh sống cộng sinh (theo ông Kiên thì cây xanh đã có hơn 200 tuổi). Cây xanh bám lấy một cành của cây Dã hương, do cây sanh phát triển quá nhanh và rậm rạp nên vào năm 2009 người dân đã chặt gần một tấn củi tươi để cho cây Dã hương phát triển. Trên tất cả các cành của cây Dã hương là những cây tầm gửi bám chi chít khiến thân cây có màu xanh ngắt.
Bà Đinh Thị Lân (70 tuổi) vợ của ông Kiên, cũng là người trông coi khu Đền Hoàng Cô, cho biết: “Cây Dã hương cao hơn 28m, chu vi thân cây gần 16m2. Năm 2012, do cơn bão Sơn Tinh quá mạnh nên đã làm gãy một cành của cây Dã hương. Trước đó nữa thì cây bị mối mọt, rệp bám đầy lá xâm hại nghiêm trọng. Nhưng sau một thời gian chăm sóc đến nay cây đã phát triển bình thường.”
Dân làng nơi đây xem Đền Hoàng Cô là nơi cấm địa linh thiêng nên thường lui tới khấn bà Thứ phi để xin lá cây Dã hương về chữa bệnh. Hàng năm, người dân địa phương lấy ngày 9/6 âm lịch làm ngày giỗ Nhị cung phi tần. Làng tổ chức lễ tế trong ba ngày, từ ngày 7 đến ngày 10/6.
Theo Dantri