Gỗ Nu không phải là 1 loại cây, nó là danh từ thể hiện tính chất, một phần dị tật của cây trải qua nhiều năm tích tụ hình thành lên, nó có vân như những cánh hoa và màu sắc tự nhiên rất đẹp khác biệt so với cây gỗ chủ. Gỗ Nu có nhiều loại, tuy nhiên phổ biến và được ưa chuộng trong chế tác tượng gỗ thì gồm có: nu hương, nu nghiến, nu kháo, nu trắc bách diệp, nu sưa, nu xá xị …
Gỗ Nu được hình thành
Nu được sinh ra từ những vết dị tật, vết thương trên những cây có tuổi thọ lớn do bị chặt chém, bị gãy, bị sét đánh hoặc do những vết mối mọt sâu trong thân gỗ. Từ đó nguồn nhựa và dinh dưỡng nuôi cây bị gián đoạn, cản trở và tích tụ tại vết thương đó, dần dà hình thành một cái bướu sần sùi trên cây qua hàng chục hàng trăm năm thì tạo thành nu.
Những khối gỗ nu có giá trị nhất thường là những khối bị chôn dưới đất, chịu sự tác động của mưa nắng độ ẩm và sự ăn mòn nhưng vẫn giữ nguyên khối mà không bị mục nát. Chính sự tôi luyện của tự nhiên này mà đó thực sự là những khúc gỗ tốt nhất, quý giá nhất.
Do cách hình thành đặc biệt nên vân gỗ nu không theo một sự sắp xếp cố định, vân xoắn ngẫu nhiên tạo những hình thù vền vện, không có tim gỗ, khá cứng và khó chế tác.
Cách nhận biết gỗ Nu thật và giả
- Gỗ nu nếu xẻ thành từng lát mỏng sẽ thấy rõ được những vân gỗ giống như hoa văn hóa thạch.
- Tại các mắt nu (là những vòng tròn nhiều vân uốn lượn) nếu thấy càng nhiều vân nhỏ mảnh cuộn xung quanh mắt nu thì càng lâu năm và càng có giá trị.
- Dùng móng tay bấm mạnh xuống bề mặt gỗ nu, nếu móng bị cong mà mặt nu không bị ảnh hưởng gì thì là gỗ nu thật, còn nếu để lại vết móng tay là gỗ nu giả hay nu nhân tạo.
Việc sở hữu một sản phẩm từ gỗ nu không chỉ thể hiện đẳng cấp mà còn là nắm giữ trong tay một trong những vật phẩm thu hút vượng khí nhất trong các đồ phong thủy hiện nay.