Hai người đàn ông cùng leo ra khỏi một ống khói, ai sẽ đi rửa mặt?
Có một anh thanh niên vô cùng chăm học, một ngày anh đọc được vài trang trong cuốn sách Talmud – Trí tuệ của người Do Thái thấy hay quá, bèn quyết định đến tìm một giáo sĩ Do Thái nổi tiếng ở thành phố nơi anh ta sống để xin được giảng dạy thêm.
Trước khi giúp anh sinh viên, giáo sĩ nói rằng đây là quyển sách sâu sắc nhất về trí tuệ của người Do Thái, do đó ông sẽ thử kiểm tra trí thông minh của anh chàng bằng một câu hỏi, rồi mới quyết định có giúp anh ta nghiên cứu cuốn sách hay không.
Anh sinh viên đồng ý và giáo sĩ đặt câu hỏi:
Hai người đàn ông cùng leo ra khỏi một ống khói, một người mặt mũi sạch sẽ còn một người lại nhem nhuốc, dính đầy muội than. Ai sẽ là người đi rửa mặt?
Anh sinh viên nhanh nhảu đáp:
Người mặt bẩn sẽ đi rửa mặt! Đây mà cũng được gọi là một câu hỏi ư?
Giáo sĩ thủng thẳng trả lời:
Sai rồi. Người mặt sạch sẽ đi rửa mặt. Người mặt bẩn nhìn thấy người mặt sạch nên nghĩ mặt mình cũng sạch. Người mặt sạch nhìn người mặt bẩn nghĩ rằng mặt mình cũng bẩn nên anh ta đi rửa mặt.
Anh sinh viên há miệng ngạc nhiên, xin thêm một cơ hội nữa. Giáo sĩ vẫn đưa ra câu hỏi y hệt ban đầu. Lần này, anh sinh viên trả lời: ‘Không phải vừa mới nói người mặt sạch đi rửa mặt đấy sao!’
Giáo sĩ chỉ cười rồi đáp:
Cả hai cùng đi rửa mặt. Người mặt sạch nhìn thấy người mặt bẩn, nghĩ mặt mình cũng bẩn nên đi rửa mặt. Sau đó người mặt bẩn thấy người mặt sạch đi, cũng liền đi theo.
Anh sinh viên không biết nói năng ra làm sao nữa, bèn năn nỉ xin một câu hỏi khác. Vị giáo sĩ vẫn chỉ hỏi lại câu hỏi ban đầu.
Trời ơi, rõ ràng nói hai người cùng đi rửa mặt mà!
Giáo sĩ lại lắc đầu, đáp:
Vẫn chưa đúng. Chẳng ai trong số họ đi rửa mặt cả. Người mặt bẩn nhìn thấy người mặt sạch nên anh ta cũng nghĩ mình không bị nhem nhuốc, nên không đi rửa mặt.
Còn người mặt sạch thấy người mặt bẩn không rửa mặt thế thì mình cũng cần gì phải rửa nữa.
Anh sinh viên không còn tin vào tai mình nữa. Tất cả câu trả lời của anh ta đều sai, anh ta cố đấm ăn xôi, năn nỉ giáo sĩ cho anh ta thêm một cơ hội cuối cùng.
Giáo sĩ đồng ý và vẫn chỉ hỏi câu hỏi y hệt như cũ. Anh sinh viên tuyệt vọng gào lên:
Không ai đi rửa mặt cả! Thầy vừa nói thế rồi mà!
Vị giáo sĩ cười ha hả đáp lời:
Đây là một câu hỏi vô nghĩa, chẳng có lý gì khi hai người cùng chui ra từ một ống khói, lại có người dính bẩn, người sạch sẽ cả!
Qua câu chuyện trên, chúng ta có thể rút ra bài học rằng:
Dù cho bạn có là người thông minh, tài giỏi đến mấy nhưng nếu cứ mãi mù quáng đi giải đáp những câu hỏi vốn đã sai hay bám đuổi theo những ảo tưởng, viển vông thì chắc rằng sẽ chẳng có câu trả lời đúng hay đích đến nào dành cho bạn cả!
Hãy sống thực tế, thông minh, tài năng thôi chưa đủ, bạn còn cần phải có sự tỉnh táo trong cuộc sống. Hãy suy xét vấn đề một cách thấu đáo, đừng bị ý chí của người khác dẫn dụ vào cạm bẫy.
Bạn nên hiểu rằng suy nghĩ đa chiều luôn là một trong những kỹ năng rất quan trọng để quyết định sự trưởng thành và thành công của một con người.
Người giàu có hay thành công trong sự nghiệp luôn là tối ưu hóa được hai mặt là “khôn” và “khéo” trong cuộc sống.
Tri thức hay IQ có thể trau dồi, tích lũy nhưng sự tinh tế, khéo léo xử lý tình huống trong đời sống, cách đối nhân xử thế thấu tình – đạt lý thì lại là điều cần phải luyện tập qua quan sát và va chạm thực tế nhiều.
Người trẻ muốn mình sớm thành công thì trước tiên hãy cố gắng tích góp cho mình càng nhiều tri thức và vốn sống cần thiết càng tốt.
Hãy sử dụng qũy thời gian hữu hạn của mình một cách hợp lý và xứng đáng nhất, từng giây từng phút trôi qua, bạn có thể học được cách làm giàu của những nhà tỷ phú hàng đầu thế giới như: Jack Ma, Bill Gates, Warren Buffett,… chỉ bằng việc đọc những trang sách thay vì “đắm đuối” từ sáng đến tối với chiếc smartphone để lướt Facebook, “đánh” cả chục trận game,…
Nhớ nhé, đừng bao giờ kiếm tìm câu trả lời cho những câu hỏi vô lý, như câu “làm sao để giàu có mà không cần phải làm gì cả?”
-ST-