Cây gỗ đinh là một trong bốn loại tứ thiết mộc của Việt Nam. Nó có nghĩa gỗ đinh được ví là một trong bốn loài thực vật thân gỗ cứng như sắt gồm đinh, lim, sến, táu.
Cây đinh (gốc) có tên khoa học là Markhamia stipulata Seem, thuộc họ chùm ớt bộ Hoa môi. Đinh còn có nhiều tên khoa học đồng nghĩa khác, ít dùng hơn như Spathodea stipulata/ Markhamia caudafelina/ Spathodea caudafelina.
Đinh là loài cây thân gỗ lớn, tại Việt Nam nó sinh trưởng tự nhiên ở Lào Cai, Lạng Sơn (Đồng Mỏ), Phú Thọ (Thanh Ba), Hoà Bình, Hà Tây, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hoá, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.
Đặc điểm sinh thái
- Cây đinh có chiều cao trung bình 10 – 25m, đường kính thân 60 – 80cm.
- Vỏ cây có màu xám, cành cây non có lông dày màu xám.
- Lá kép hình lông chim dài 30 – 40cm. Cụm hoa hình chùm ở đỉnh cành, dài 15-35cm, có lông và có màu vàng nhạt/ nâu đỏ.
- Quả nang hơi dẹt dài từ 30 – 50cm, rộng 3 – 4cm, có lông màu xám.
- Hạt cây có cánh mỏng dài khoảng 4cm, rộng 1cm.
- Mùa hoa cây đinh nở vào tháng 9 – 12 và mùa quả chín vào tháng 3 – 5 năm sau.
Gỗ đinh được xếp vào nhóm II trong bảng 8 nhóm gỗ Việt Nam. Cây gỗ đinh được xếp vào nhóm loài thực vật sẽ nguy cấp (mức V), bị hạn chế khai thác nếu để mua bán.
Đinh cho loại gỗ rất tốt, cứng chắc và đặc thịt. Gỗ đinh không bị mối mọt, được các dân tộc vùng cao dùng làm sàn, cột và dầm chống nhà.
Hoa và quả non của cây đinh còn là món ăn trong ẩm thực Lào, Thái Lan. Hoa còn là dược liệu cổ truyền của người Thái.
Cây Đinh Thối
Tên khoa học: Fernandoa brillettii Dop – Họ: Fernandoa
Cây Đinh thối là gỗ lớn thường xanh, cao 20-30m, đường kính 0,5-1,3m. Vỏ màu xám tro bong mảng, có nhiều lớp mỏng lớp trong có màu nâu vàng. Đinh thối phân cành thấp, cành non hơi vuông cạnh, phủ lông vàng. Lá Đinh thối là lá kép lông chim một lần lẻ, mọc đối, dài 40-45cm. Lá chét hình trái xoan hay trứng trái xoan đầu có mũi nhọn, đuôi gần tròn dài 10-13cm, rộng 5-6cm mặt dưới có lông mịn và tuyến nhỏ ở gốc. Lông bên nổi rõ ở mặt dưới, gân nhỏ gần song song, cuống lá chét ngắn.
Hoa Đinh thối khá đẹp, có hương thơm nhẹ, nở vào tháng 4-5. Hoa tự xim viên chùy ở đầu cành, hoa to, thưa, lưỡng tính. Quả hình trụ có 4 cạnh, dài khoảng 40cm rộng 2-3cm. Đầu quả nhọn, vỏ quả hóa gỗ, khi chin tách ô. Hạt dẹt nhẵn bóng, có cánh màu trắng xếp thành 2 hàng trong mỗi ô. Mùa quả vào tháng 9-11. Cây mọc trong rừng thường xanh nơi có thảm thực vật dày ẩm.
Gỗ Đinh thối bền, chắc, không bị mối mọt cong vênh nên rất được ưa chuộng trong ngành gỗ. Đặc biệt để đóng đồ nội thất, làm nhà ở, đóng tàu thuyền… những cây gỗ lớn trong tự nhiên đã bị khai thác triệt để.
Hiện nay, số cây Đinh thối còn lại rất ít, việc nhân giống và phát triển cây Đinh thối có ý nghĩa quan trọng không chỉ trong ngành lâm nghiệp mà còn có ý nghĩa bảo tồn nguồn gen bản địa quý của Việt Nam.
Đinh cà ná
- Đinh cà ná có tên khoa học Markhamia stipulata var. canaense, tìm thấy ở Cà Ná Ninh Thuận.
- Loài này khác cây đinh trên ở chỗ có ống tràng dài hơn, quả nang ngắn hơn, lá chét ít hơn.
- Cây đinh cà ná ra hoa từ tháng 4 – 6 và ra quả từ tháng 7 – 9.
Thiết đinh lá bẹ
- Một loài họ Đinh nữa là thiết đinh lá bẹ. Đây là một phân loài của cây đinh trong bài viết này.
- Thiết đinh lá bẹ có tên khoa học Markhamia stipulata var. pierrei, quả dài từ 20 – 47cm như quả đỗ.
- Thiết đinh lá bẹ ra hoa vào tháng 10 – 5 và ra quả từ tháng 2 – 11.
- Gỗ cây thiết đinh lá bẹ có màu trắng, nhẹ nhưng không bị mối mọt, dùng làm đồ nội thất xuất khẩu.