Sau khi phát hiện quanh núi Chư A Thai có gỗ hóa thạch, người dân đổ xô khai thác khiến loại khoáng sản quý giá này gần như cạn kiệt.
Gỗ hóa thạch hay còn gọi là gỗ hóa đá, gỗ đá. Đây là loại gỗ bị chôn vùi trong nham thạch hoặc trong lòng đất hàng triệu năm. Nhìn bên ngoài giống như cây gỗ nhưng khi sờ vào sẽ cảm nhận được sự mát lạnh. Ở Gia Lai, gỗ hóa thạch được một người dân phát hiện trên núi Chư A Thai từ năm 2000.
Năm 2010, gỗ hóa thạch được mua với giá 5.000 – 7.000 đồng một kg, gỗ đẹp 10.000 đồng một kg. Người dân địa phương và các tỉnh lân cận đổ xô lên ngọn núi đào bới, lùng sục. Họ mang theo cuốc và xà beng, khi phát hiện những mảnh vụn hóa thạch, rồi lần theo dấu vết đó để tìm đào. Có hố đào sâu gần chục mét.
“Người săn gỗ quý đi từng nhóm, cơm đùm gạo bới, dựng lán ở cả tháng trên núi”, ông Nguyễn Văn Thành, làng Rơ Lâm, xã Chư A Thai nhớ lại khung cảnh 10 năm trước. Ông Thành thấy vậy cũng vài lần đi tìm thử, nhưng không được khối nào lớn.
Cách đây 5 năm, có người đàn ông từ nơi khác đến, tìm được cây gỗ hóa thạch giá trị gần tỷ đồng, phải thuê người lên núi đào cả tháng mới xong. Thỉnh thoảng có vài nhóm kiếm được vài trăm triệu đồng.
Theo ông Thành, cái nghề tìm gỗ hóa thạch này cũng hên xui. Có khi cả tuần đào tìm không thấy nhưng nếu gặp may thì mỗi hố cũng kiếm được vài trăm kg. Nếu tìm được những khối còn nguyên dạng cây hoặc gốc rễ thì “trúng mánh”.
Sau hơn 10 năm bị khai thác ồ ạt, đến nay, gỗ hóa thạch ở núi Chư A Thai gần như bị cạn kiệt. Cách đó vài km, hàng chục khối gỗ hóa thạch được bày bán bên quốc lộ 25 có giá gần tỷ đồng. Những khối gỗ quý 1-3 kg, cửa hàng mua từ người dân giá 50.000 đồng một kg, sau khi đánh bóng bán với giá từ 500.000 đồng đến vài triệu đồng.
Ông chủ cửa hàng chuyên buôn bán đồ gỗ hóa thạch ở Phú Thiện cho hay, gỗ hóa thạch ở núi Chư A Thai có màu sắc đẹp hơn so với những vùng khác nên rất được các dân chơi ở Đà Nẵng, TP HCM, Hà Nội đặt mua. Đá này thường có tác dụng phong thủy, làm trang sức, đồ mỹ nghệ…
“Bây giờ gỗ hóa thạch lộ thiên gần như không còn nữa”, ông Phùng Chung Toàn, Chủ tịch xã Chư A Thai nói và cho biết, chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền, nghiêm cấm và xử lý nhiều trường hợp khai thác gỗ hóa thạch. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên vẫn bị “chảy máu”.
Năm 2005, một vài người dân ở xã Chư A Thai phát hiện cây gỗ hóa thạch lộ nguyên gốc, đường kính 1,4 m. Hiện cây gỗ hóa thạch này được đặt tại Công viên Đồng Xanh (TP Pleiku, Gia Lai) để phục vụ khách tham quan, du lịch.
Trần Hóa