Những ngày gần đây người dân Hà thành xôn xao về một khúc gỗ có niên đại hơn 5.000 năm được rao bán với giá hơn chục tỷ. Nhưng đó chưa phải là mức giá cao nhất cho một khúc gỗ.

Hơn chục tỷ khúc gỗ 5.000 năm tuổi

Dù chưa qua chế tác, khúc gỗ cẩm lai được trưng bày tại một gian hàng trong Hội chợ Đồ gỗ và trang trí nội thất Hà Nội 2020 mới đây được rao bán hơn chục tỷ đồng, khiến nhiều người hiếu kỳ, tìm đến chiêm ngưỡng.

Theo người bán giới thiệu, khúc gỗ có tuổi thọ khoảng 5.000 năm, được nhập về từ châu Phi, có chiều dài 5,48 m, vành tròn 2 bên 7,2 m.

Gỗ cẩm lai có đường vân gỗ đẹp, thớ rắn chắc, độ bền rất tốt, ít bị mối mọt hoặc là nứt nẻ. Đặc biệt mùi hương của gỗ có thể xua đuổi được côn trùng.

Khúc gỗ dài 3 mét, đại gia trả gần 4 tỷ đồng vẫn không bán

Năm ngoái, một khúc gỗ nu Gõ đỏ dài 3m được một đại gia trả giá gần 4 tỷ đồng nhưng chủ nhân của nó vẫn chưa đồng ý bán gây tò mò cho khá nhiều người.

Ông Minh ở Sapa (Lào Cai) – chủ nhân của khúc gỗ nu Gõ đỏ – cho biết, khúc gỗ có chiều dài tới 3m, đường kính ngọn 1,5m, đường kính gốc 1,8m, nặng khoảng 7-8 tấn, được ông mua ở bên Lào, sau đó thuê xe vận chuyển về Việt Nam.

Ông Minh tiết lộ, hiện có khá nhiều khách hỏi mua, thậm chí có một vị khách ở Hải Phòng đã trả tới gần 4 tỷ đồng để mua lại khúc gỗ nu này nhưng ông chưa đồng ý bán.

Theo ông Minh, nếu là một khúc gỗ bình thường với đường kính như trên thì giá không đắt. Nhưng đây là gỗ nu chứ không phải gỗ thường, với bướu gỗ, mắt gỗ được hình thành từ cây có tuổi thọ hàng ngàn năm.

Được biết, phần nu gỗ là phần thương tật do bị sét đánh, cây bị bệnh hoặc bị một tác động nào đó… khiến cho nhựa và dinh dưỡng bị gián đoạn từ đó hình thành các u bướu, cục sần sùi. Phần u cục này sẽ dần to ra theo sự phát triển của cây mà dân gian quen gọi là nu. Cây càng lâu năm thì phần nu gỗ ngày càng lớn và càng có giá trị.

Khúc gỗ xấu xí ngoài vườn, hoá ra có giá hơn 66 tỷ đồng

Năm ngoái, truyền thông Trung Quốc đưa tin, một khúc gỗ quý hiếm 600 năm tuổi được tìm thấy tại sân sau của một nhà máy sản xuất đồ nội thất ở miền trung Trung Quốc.

Khúc gỗ này là gỗ sợi vàng, được xác định là loại gỗ quý hiếm, thường được giai cấp quý tộc hay những nhà giàu Trung Quốc xưa kia dùng để dựng nhà cửa, làm đồ nội thất.

Chủ nhân của khúc gỗ cho biết: “Tôi mang nó về đây từ 5 năm trước. Tôi nghĩ nó chỉ là một khúc gỗ rất bình thường, dài 19m, đường kính lớn hơn thắt lưng một chút nhưng nó rất nặng, tới 5 tấn”.

Các chuyên gia thẩm định gỗ cho biết, khúc gỗ này có nguồn gốc từ Ya’an ở tỉnh Tứ Xuyên, được ngâm trong nước khoảng 400 năm. Có khả năng khúc gỗ đã bị đánh rơi trong quá trình vận chuyển từ Tứ Xuyên sang Bắc Kinh để phục vụ cho việc xây dựng cung điện triều Minh.

Khúc gỗ đã được định giá 20 triệu nhân dân tệ (hơn 66 tỷ đồng), nhưng thay vì nhận một khoản tiền mặt siêu khủng, chủ nhân của nó đã quyết định tặng cho một bảo tàng.

Khúc gỗ sưa đào ở vuông tôm được trả giá 1,5 tỷ đồng

Năm 2015, một người đàn ông ở Cà Mau đã đào được khúc gỗ sưa quý hiếm dưới vuông tôm. Khúc gỗ có đường kính khoảng 3m, dài 2,2m, sau đó đã được ông thuê thợ điêu khắc thành bức tượng phật Di Lặc. Có người ngã giá 1,5 tỷ đồng nhưng ông không chịu bán.

Chủ nhân của khúc gỗ cho biết, ông đào được một khúc gỗ dưới độ sâu khoảng 5m khi cải tạo vuông tôm. Khi đưa khúc gỗ lên, có nhiều con hào hến đeo bám trên thân.

“Lúc mới phát hiện khúc gỗ, tôi không nghĩ đó là gỗ sưa nên bỏ lăn lóc ngoài bờ vuông hơn hai năm trời. Sau đó, có người hỏi mua 15 triệu đồng, nhưng tôi không bán. Tôi nghĩ chắc là gỗ quý nên đã thuê người đến điêu khắc thành tượng phật Di Lạc”, ông nói.

(Theo Dân Trí)