Nửa đời sau, phương thức sống tốt nhất, không phải là có bao nhiêu của cải, danh tiếng cao quý ra sao, mà là làm sao qua mỗi một ngày, chúng ta đều là chính mình, giữ được cái tâm ban đầu của mình.

Thời gian trôi nhanh như chó chạy ngoài đồng, chưa kịp định thần, nửa cuộc đời đã trôi qua.

Ngoảnh đầu nhìn lại, cứ ngỡ mọi thứ đã xảy ra đều nằm trong tầm tay, kết quả, thì ra mọi thứ đều nằm ngoài dự liệu.

Cả quãng đường đã qua, gặp được nhiều người, trải qua nhiều chuyện, chúng ta cũng dần dần hiểu ra cái gì là mây khói, chỉ như gió thoảng qua tai, cái gì mới là điều nên nắm chắc trong lòng bàn tay.

Vì vậy, nửa đời sau, phương thức sống tốt nhất, không phải là có bao nhiêu của cải, danh tiếng cao quý ra sao, mà là làm sao qua mỗi một ngày, chúng ta đều là chính mình, giữ được cái tâm ban đầu của mình.

Cảm xúc, phải “khống”

Khi bạn không kiểm soát, khống chế được cảm xúc, nó sẽ nuốt chửng bạn.

Người tài giỏi, không phải là hỉ nộ ái ố đều không biểu hiện ra bên ngoài, mà là dù có hỉ nộ ái ố ra sao cũng sẽ không vấn vương, giữ khư khư nó lại trong lòng quá lâu.

Phàm là những cái gì liên quan tới chữ “tình”, đều nên được biểu đạt, cũng nên được tiết chế.

Trong tâm lý học có một hiệu ứng nổi tiếng mang tên “hiệu ứng ngựa hoang”.

Ở thảo nguyên Châu Phi, có một loài dơi chuyên bám vào mông ngựa hoang để hút máu, có con chẳng buồn để ý, có con lại tỏ ra tức giận vô cùng.

Cuối cùng, những con ngựa giận dữ đã chết vì trong lúc tức giận chúng đá phải nhau.

Nghiên cứu của các chuyên gia phát hiện, lượng máu mà những con dơi đã hút hoàn toàn không thể khiến một con ngựa phải chết. Nguyên nhân dẫn đến cái chết thực sự là sự phẫn nộ và mất khống chế cảm xúc ở những con ngựa đó.

Người không biết khống chế cảm xúc của mình cũng giống như những con ngựa hoang tức giận vậy, nội tâm đâu đâu cũng là sóng gió, chuyện có nhỏ nhặt tới đâu thì trong mắt họ cũng trở nên rất to lớn.

Anthony Jay Robbins từng nói: “Bí quyết thành công nằm ở chỗ biết cách kiểm soát sức mạnh của hạnh phúc và nỗi đau, chứ không phải để sức mạnh của chúng tác dụng phản lại mình.”

Cảm xúc tích cực sẽ đem lại phúc báo, cảm xúc tiêu cực sẽ hủy hoại mọi thứ.

Nếu bạn ngày nào cũng uất ức oán than, phàn nàn, lo âu, mệt mỏi, vậy thì chưa bàn tới những việc khác, thứ ảnh hưởng đầu tiên chắc chắn là sức khỏe của bạn, mà đã không có sức khỏe, thì bạn cũng sẽ chẳng còn gì.

Khi thấy mình lo âu, phiền não hay mất kiên nhẫn, hãy tự nhắc nhở bản thân: “Sống, đừng quá gồng mình, tâm trạng cũng vậy, đừng quá gồng.”

Dục vọng, phải “giảm”

Nhịp sống hối hả, ngoài việc đem lại cho con người sự tiện lợi và sự hưởng thụ về vật chất, thì còn đem lại tác dụng phụ là tâm lý bất an, lo âu, tinh thần rã rời và sức khỏe ngày một sa sút.

Chỉ theo đuổi tốc độ và hiệu suất, có nghĩa là bạn mỗi ngày đều đang đuổi theo bước đi của thời gian, luôn lo lắng thời gian trôi đi, còn mình thì lại vẫn chưa có được điều gì.
Nhưng thực ra, mọi phiền não đời người, suy cho cùng, cũng vẫn chỉ quy về một chữ “ham”.

Dục vọng, ham muốn là thứ tự nhiên, sự tồn tại của nó vốn dĩ không sai, sai là ở chỗ, có những người không thể kiểm soát được cái ham muốn đó, cứ để cho dục vọng khống chế, biến mình thành kẻ “vô đạo đức”.

Người tham lam, bị dục vọng dắt mũi, dục vọng vô bờ, tham lam vô bến; người tham lam, luôn rất ích kỉ, suốt ngày tính toán chi li, chỉ biết tới lợi ích, cuối cùng lại thành trắng tay.
Ham muốn bị khuếch đại sẽ khiến con người ta không bao giờ biết thỏa mãn, đây cũng là nguồn gốc của mọi cái khổ.

“Dưỡng tâm, chẳng qua cũng chỉ là giảm bớt dục vọng”, chỉ khi bớt ích kỉ, bớt ham muốn lại, bạn mới có thể nhìn được rõ ràng thứ mà trái tim mình thực sự mong muốn.

Khi đã bình thản trước mọi sự, phân rõ thị phi, xem hiện tại là mãi mãi, vui vẻ cũng sẽ trở thành một chuyện rất đơn giản.

Khó khăn, phải “vượt”

Sống ở đời, trước giờ chưa từng có hai chữ dễ dàng.

Nhưng, chuyện trên thế gian, cũng giống như ngồi trên thuyền vậy, chỉ có thể đem tính mạng trao vào tay người khác.

Muốn sống sao cho đáng, phải cố gắng mà vượt qua khó khăn.

Con người có bi hoan li hợp, trăng có râm trong tròn khuyết, sóng lên rồi lại xuống, mây cuồn cuộn rồi lại thả trôi, vạn vật trên đời thay đổi đều không do ý người, tự cổ chí kim, người người như vậy, vật vật như thế.

Không có ai là vẻ vang mãi mãi, cũng chẳng có ai cả đời ngập trong khó khăn.

Cũng giống như câu nói: “Phải học cách bình thản mà tiếp nhận mọi khó khăn trong cuộc đời, dù có khó khăn tới đâu, chỉ cần chúng ta an nhiên mà tiếp nhận nó, xem nó như một trải nghiệm cần thiết trong cuộc sống để tìm ra những nhân tố hạnh phúc ẩn giấu bên trong, vậy thì, nó sẽ khiến bạn cảm thấy hạnh phúc!”

Chỉ khi nhận thức được điều này, chúng ta mới có thể nhìn rõ được bộ mặt thật của cuộc sống, để rồi xem nhẹ những vinh quang nơi đỉnh cao hay sự lạnh lẽo nơi đáy vực.

Giữ lấy cái tâm ban đầu, xem nhẹ nóng lạnh thăng trầm nơi thế gian, tự nhiên sẽ có thể ung dung hơn mà đối mặt với khó khăn trong cuộc sống, trỗi dậy trong những thăng trầm.

Tâm thái, phải “dung”

Dung là khoan dung. Khoan dung là gì? Khoan dung là tiếp nhận tam quan của người khác, bao dung lỗi lầm của người khác, và cái gan dám tự ngẫm lại chính mình.

Đời người 10 chuyện thì có tới 8,9 chuyện không như ý, những chuyện được như ý quả thực rất ít, vì vậy, khoan dung cho người khác, nhiều khi chính là mở đường cho cái tâm của mình.

Cứ vấn vương mãi ân oán, thứ đem lại, chỉ là sự tức giận vô hạn và một cái tâm khó mà bình tĩnh.

Có người nói: “Dĩ tắc nhân chi tâm tắc kỉ, dĩ nộ kỉ chi tâm nộ nhân”, ý muốn nói, dùng sự khắt khe như khi đối xử với mọi người để nhìn nhận lại bản thân, dùng sự khoan dung như với chính mình để đối xử với người khác.

Khoan dung, không phải là thỏa hiệp một cách nhu nhược, mà là bạn hiểu được ra rằng, tất cả những điều này chẳng qua cũng chỉ là một trải nghiệm, nếu đã quyết định tiến những bước lớn về phía trước, vậy thì không cần thiết phải giam mình trong những vướng mắc không đáng để tâm này.

Tâm nếu cứ tính toán thì đâu đâu cũng là sự tức giận; tâm nếu bao dung rộng mở hơn thì lúc nào cũng là ngày xuân.

Đối mặt với mọi ác ý trong cuộc đời, chi bằng cứ nỗ lực tiến về phía trước.

Xem những viên gạch mà người khác để lại là cái cầu giúp mình không phải dẫm xuống bùn.

Đợi tới khi bạn bước lên tới một cao độ nào đó, những thứ không hay ho gì kia, bạn tự nhiên chẳng còn nghe thấy nữa.

Đời sống, phải “giản”

Ân và oán, được và mất, yêu và hận, chẳng qua cũng chỉ là những phong cảnh trong cuộc đời, không phải hoài niệm, mỉm cười cho qua, đây chính nguyên tắc sống tuyệt vời nhất.

Henry David Thoreau từng nói: “Hầu hết sự phồn hoa và cái gọi là cuộc sống thoải mái, không chỉ là thứ không cần thiết, mà nó còn là thứ cản trở sự tiến bộ của loài người, đối với cái gọi là phồn hoa và thoải mái, kẻ tri thức thà là sống một cuộc sống đơn giản và thô sơ.”

Cuộc sống thực ra không phức tạp, ngược lại, chính chúng ta là người thêm gánh nặng cho nó.

Quẳng đi những ồn ào, náo nhiệt, thế giới của bạn ngược lại sẽ trở nên rực rỡ hơn.

Rất nhiều người hiện đại ủng hộ cho cái gọi là “cuộc sống tối giản”: ăn không thể không ăn, nhưng không cần ăn nhiều; tiền không thể không có, nhưng không cần có quá nhiều.

Cái gọi là “tối giản” hoàn toàn không phải là vứt hết, bỏ hết, không cần cái gì, hay là sống một cuộc sống cô độc tới lạnh người, mà là bản tính trong làm người, bản chất của cuộc sống, cũng chính là cái dáng vẻ ban đầu nhất của chúng ta.

Một hai tri kỉ, một bình trà nhạt, đưa cuộc sống về với sự đơn giản, lấp đầy trái tim, cuộc sống của bạn rồi sẽ biến thành dáng vẻ mà bạn mong muốn.

Phong thủy tốt nhất của một người, là chính mình.

Thế giới quá rộng lớn, sinh mệnh quá ngắn ngủi, nếu đã không thể khiến tất cả mọi người đều hài lòng, vậy thì cứ buông tha cho mình trước đi.

Có động lực tiến về phía trước, có thứ để kiên trì, không vì ai, chỉ vì mình.

Làm việc mà mình thích, đối xử với mình tốt một chút, bạn sẽ phát hiện ra, thực ra tất cả đều là sự an bài tốt đẹp nhất.

Quãng đời còn lại, mong bạn bớt đi một phần chấp niệm, nhiều hơn một phần vui vẻ, bớt đi một phần ưu phiền, nhiều hơn một phần an nhiên, bớt đi một phần bi thương, nhiều hơn một phần may mắn, biết ơn, nâng niu và trân trọng những gì đang có…

Như Nguyễn