Có chính ắt có tà, có thật thì có giả, có người vì đại nghĩa thì có kẻ vì danh lợi, có chính nhân quân tử thì có tiểu nhân gian tà.

Nhìn một người bình thường, phải nhìn những khi gặp việc lớn, họ có thể giữ mình được hay không;

Nhìn một anh hùng, thì phải nhìn chỗ tiểu tiết của họ, xem có chỗ nào bỏ sót hay không.

Ba điều ác do thân làm ra là:

  1. Sát hại: Nghĩa là giết chết và đánh đập hành hạ người và các loài hữu tình, chủ yếu là người.
  2. Thâu đạo: Nghĩa là trộm cắp hoặc lấy của người bằng những thủ đoạn không chính đáng.
  3. Dâm dục: Chủ yếu là tà dâm, những dâm dật quá độ, say đắm ngũ dục cũng là điều ác.

Bốn điều ác thuộc về lời nói là:

  1. Vọng ngôn: Nghĩa là nói dối, không nói ra có, có nói ra không.
  2. Ỷ ngữ: Nghĩa là nói quanh co, dua nịnh, khiêu dâm, ngụy biện, trạng quá sức phi, nói tóm lại, là nói những lời không đúng đắn.
  3. Ác khẩu: Nghĩa là nói lời hung dữ như chửi mắng, nguyền rủa, dọa nạt,v.v.
  4. Lưỡng thiệt: nghĩa là nói hai lưỡi, gây sự bất hòa giữa người này với người khác.

Ba điều ác thuộc về ý là:

  1. Tham: Nghĩa là ham muốn, ham muốn những điều mình ưa thích hoặc những cái gì làm cho có điều mình ưa thích, nó làm cho tâm hồn bị ràng buộc với cảnh, đặc biệt là với cảnh ngũ dục.
  2. Sân: nghĩa là giận ghét, giận dữ trước những cảnh trái ý, ghét bỏ những điều làm cho mình khó chịu.
  3. Si: Nghĩa là si mê, si mê không biết nhân quả, si mê không tin Chánh pháp.

Cả ba điều về thân, bốn điều về lời nói, ba điều về ý đã nói ở trên kia, xét cho cùng đều có hại cho các loài hữu tình, nên gọi là ác.

Phật cũng dạy rằng: “Đáng cười mà không cười, lúc đáng hoan hỷ mà không hoan hỷ, đáng khởi tâm từ mà không khởi tâm từ, làm ác mà không xấu hổ, nghe lời lành mà không để ý. Nên biết người này ở nhóm tà”.

Đây là năm tiêu chuẩn quan trọng để chúng ta thẩm định về một người là chính hay tà. Đó cũng là năm tiêu chuẩn để tự mình thẩm định chính mình.

Cuộc sống luôn biến động, thân tâm luôn vô thường, ranh giới giữa chính tà đôi khi lại rất nhạy cảm và mong manh. Dù lúc nào ta cũng nhân danh (hoặc tự nghĩ) mình là người của chính phái, là đại sứ của thiện lành nhưng thực tế thì không hẳn như vậy.

Cuộc sống vốn là một trường lựa chọn, lựa chọn đúng sai, lựa chọn thiện ác cho riêng mình. Và đương nhiên một niệm thiện ác khác nhau, thiên đường địa ngục cũng lại khác nhau

Đôi khi đối diện với đại nạn, con người ta có thể nhờ một niệm thiện lương mà thay đổi vận mệnh, đôi khi đối diện với phúc phận lại vì một niệm bất lương mà đánh đổ cả cơ đồ…

Thiện niệm như ánh mặt trời chiếu sáng bản thân, lan toả đến vạn vật xung quanh; Ác niệm lại không khác gì mây âm ảm đạm che phủ trái tim tự mình, chiếu bóng đen lên người khác

-ST-