Coi thường người khác là si – mê muội, nông cạn, thiếu hiểu biết… Bản thân làm được điều gì đó, đạt được thành tựu gì đó không có nghĩa là người khác cũng phải làm được. Ngược lại, không phải điều mình không làm được thì người khác cũng không có khả năng đó.

Người hay coi thường người khác sẽ phải gánh nghiệp tham, sân, si

Mỗi người chúng ta là một cá thể khác nhau, mang trong mình một bản ngã riêng biệt. Cuộc sống của bạn thế nào, chỉ có bạn là người rõ nhất.

Vì không thể hiểu tường tận về cuộc đời của người khác, nên chúng ta không có quyền coi thường bất kỳ ai.

Bàn về việc này, đạo Phật cũng cho rằng: Coi thường người khác chính là tham, sân, si.

Vậy tham, sân, si là gì

Tham sân si là ba biểu hiện về tính xấu tiềm ẩn trong bản chất của mỗi con người, một khi lý trí không làm chủ được thì nó sẽ bùng phát thiêu cháy tất cả nào là nhân cách đạo đức, sự sáng suốt, mạng sống của chính chúng ta và những người khác.

+ Tham

Tham là nhu cầu để đáp ứng những ham muốn bất tận của bản thân mà bất chấp đến những gì xung quanh mình. Tham có những loại sau: Tham tài vật, tham sắc dục, tham danh vọng.

– Tham tài vật: lòng tham những thứ vật chất tiền bạc, nhà cửa ,xe cộ,…
– Sắc dục: là mạng sống, dục vọng, sắc đẹp,… nói chung về thân
– Danh vọng: sự nổi tiếng, quyền lực, địa vị,…

+ Sân

Sân là sân hận, là sự thù ghét, là sự nóng nảy,… Sân có những loại sau:

– Do quyền lợi, tài vật, danh vọng, sắc dục,… của bản thân bị xâm phạm
– Do ham lợi lộc, tài vật, danh vọng, sắc dục không thể đạt được hoặc chưa được như mong muốn
– Do lợi, tài vật, danh vọng, sắc dục của người khác hơn mình (ghen tị thành thù ghét)

+ Si

Si là mê muội, mê lầm, là sự không sáng suốt, không đủ khả năng để nhận ra sự thật, chân lý. Mê lầm thông thường của người đời có 3 loại:

– Không khả năng nhận diện đạo lý tốt.
– Không có khả năng nhận diện bản chất thật của sự việc ở đời.
– Không có khả năng nhận diện thân, tâm của mình.

Theo quan điểm của đạo Phật, coi thường người khác là một việc làm ác. Những người mang theo thái độ và hành động này thường tự đặt mình ở vị thế cao hơn, tự cho mình cái quyền để chà đạp, nhạo báng kẻ yếu thế.

Việc làm ấy sẽ khiến nhiều người tạo nghiệp, làm ác, sau này khó tránh khỏi quả báo.

Học cách trân trọng chính là lưu lại cho mình một đường lui nhân đức

Nếu như bạn sở hữu gia tài bạc triệu, làm ơn đừng xem thương những người hành khất, cũng đừng coi nhẹ những người bán hàng rong.

Bởi người xưa có câu: “Làm người nên lưu lại cho mình một đường lui, sau này gặp lại nhau còn dễ bề ăn nói”.

Nếu bạn tìm được một người yêu có thể giúp đỡ mình, đừng đi kể xấu, hạ bệ người tình cũ. Mặc dù giờ đây giữa bạn và họ không còn tình nghĩa, nhưng đó vẫn là một đoạn đường đời mà bạn không thể chối bỏ.

Nhờ có những người cũ đi ngang qua cuộc đời trước kia, bạn mới có thể tìm được một nửa phù hợp với mình ở hiện tại.

Nếu như gia đình bạn viên mãn hạnh phúc, đừng chê cười những người sống trong cảnh ly dị, càng chớ nên coi thường những người vấp ngã sau một cuộc hôn nhân bất hạnh.

Chúng ta vốn không nên xát muối vào vết thương của người khác, bởi mỗi người đều có lựa chọn cho riêng mình.

Nếu bữa cơm của bạn mỗi ngày thịt cá ê hề, đừng dè bỉu những món ăn bán ngoài vỉa hè, cũng không cần hùa theo tâm lý đám đông mà đổ xô đi tìm sơn hào hải vị.

Sống ở trên đời chớ nên lúc nào cũng tính toàn chi ly, có đôi khi thua thiệt lại chính là phúc phần.

Chúng ta thường hay nghe một người tiết kiệm phán xét người khác là phung phí.

Một người hào phóng đánh giá người khác là keo kiệt.

Một người thích ở nhà chê bai người khác chân bọ ngựa. Và một người thích bay nhảy cười chê những người thích ở nhà là thụ động, kém sáng tạo….

Chúng ta nghe những điều đó mỗi ngày đến khi mệt mỏi đến khi chúng ta nhận ra rằng đôi khi chúng ta phải phớt lờ tất cả những gì người khác nói và rút ra kinh nghiệm là đừng phán xét người khác một cách dễ dàng.

Vậy nên, sống ở trên đời đừng bao giờ coi thường, phán xét người khác. Bởi chúng ta không phải là họ, không sống cuộc đời của họ, nên ta không có quyền phán xét, càng không có quyền coi thường.

Học cách xem trọng mọi người là bớt đi nghiệp tham, sân, si. Hành xử khiêm tốn, cư xử lễ độ là cách để lưu lại cho tương lai của mình một đường lui nhân đức.

-ST-