Ở Phú Quốc (Kiên Giang), không mấy ai không biết đến cái tên “Huệ gỗ lũa”… Là người may mắn được tiếp chuyện người mang biệt danh này cả buổi và nghe anh kể về một thú chơi gỗ lũa của mình, tôi mới hiểu được nét đẹp sâu thẳm và có phần kỳ lạ mà anh đã gửi gắm qua những gốc cây già nua tưởng như bỏ đi kia…

Từ một loài gỗ “chết”…

Sinh năm 1973 tại thị trấn Dương Đông, Phú Quốc, tốt nghiệp trung học phổ thông, Huỳnh Phước Huệ thi đỗ vào trường Đại học Quản trị kinh doanh TP Hồ Chí Minh. Năm 1997, anh ra trường và khởi nghiệp từ nghề hướng dẫn viên. Hiện nay, anh là Giám đốc Bảo tàng tư nhân có tên gọi “Cội nguồn”. Nhà bảo tàng của anh có diện tích rộng hơn 1.000m2, trưng bày vô số hiện vật có giá trị mà anh đã dày công sưu tầm suốt nhiều năm qua. Anh còn sở hữu những bộ sưu tập gỗ lũa vô giá.

Huỳnh Phước Huệ bảo, với niềm đam mê gỗ lũa, lúc đầu chỉ là chơi, rồi nghiện. Thế là anh bắt đầu đi săn lùng những gốc gỗ lũa như chàng thi sỹ lang thang trong rừng, ngoài bãi khắp Phú Quốc để tìm một điều có trong tưởng tượng. Từ bình minh Bắc Đảo đến mưa chiều Cửa Cạn, Gành Dầu, Thổ Châu…, cánh rừng, bãi biển nào ở Phú Quốc cũng đều in dấu chân anh.

Anh Huỳnh Phước Huệ.(ảnh nguồn: bienphong.com.vn)

Mỗi loại lại có đặc điểm riêng. Lũa dưới đất giữ nguyên màu gỗ nguyên thủy. Lũa ngâm trong bùn có màu như mun, như sừng. Lũa phơi trước gió là loại quý hiếm nhất vì có những đường vân sóng rất đẹp. Tất nhiên, không phải loại gỗ nào cũng hình thành được lũa. Lũa được tạo thành bởi những loại gỗ quý như đinh, trai, nghiến hoặc những loại gỗ chứa dầu thơm như giáng hương, đinh hương, gù hương. “Vẻ đẹp gỗ lũa không bao giờ lặp lại” – Huệ “chốt” lại.

Trước khi giới thiệu với tôi về bảo tàng của mình, Huỳnh Phước Huệ đưa tôi dạo quanh một vòng và chiêm ngưỡng hàng trăm bộ bàn ghế được chế tác từ các gốc cây đại thụ, những chế tác nhỏ hơn như các con vật hươu, nai, đặc biệt là những chế tác mang tính tâm linh như tượng Phật Tổ Như Lai, Quan Vân Trường, Triệu Tử Long… Quả thật, khó ai ngờ rằng, từ những gốc cây đã chết, không còn tác dụng lại trở thành những vật dụng vô giá. Phần lớn những tác phẩm gỗ lũa ở đây đều do Huỳnh Phước Huệ tự tìm kiếm và sáng tạo. Sau khi mang gỗ về, anh tiến hành làm sạch, tùy theo thớ gỗ mà chế tác hay để nguyên nó như lúc ban đầu.

Công đoạn khó nhất là “thổi hồn” vào những mảnh gỗ vô tri để cho nó sống động và đặt tên cho từng tác phẩm. Hỗ trợ cho anh là tốp thợ 3 người ngày đêm đục đẽo, đánh bóng, sơn dầu. Anh cho biết, những năm trước, nhiều người chưa nhìn ra giá trị và vẻ đẹp của gỗ lũa, người dân làm rẫy nhiều khi còn đem đốt cả những gốc cây to.

Những năm gần đây, gỗ lũa bị ráo riết săn tìm, việc tìm mua cũng khó khăn hơn. Đã có gốc cây, anh Huệ ra giá cả trăm triệu đồng mà chủ nhân không bán. Gỗ lũa lớn được ví như trầm hương vì giá trị của nó và việc tìm kiếm cũng khó khăn vất vả. Những gốc có giá trị và khó tìm mua nhất vẫn là gốc trai, thị, sơn trà, đinh cổ thụ vì những loại cây gỗ này rắn hơn sắt, chịu đựng mưa nắng hàng trăm năm và vân màu rất đẹp…

…Đến những tác phẩm nghệ thuật giá trị

Nghe tôi thắc mắc “vì sao gỗ lũa có thể làm người ta say mê và sẵn sàng bỏ ra cả đống tiền để sở hữu nó?”, Huỳnh Phước Huệ giải thích: “Nét độc đáo và hấp dẫn nhất của gỗ lũa là trước một tác phẩm, người ta có những cảm nhận và tưởng tượng khác nhau. Vẻ đẹp ấy là sự kết hợp giữa thiên nhiên và con mắt tưởng tượng của con người. Người ta gọi nghệ thuật chơi gỗ lũa là nghệ thuật của cái nhìn và tưởng tượng.

Tác phẩm gỗ lũa ngọc am sau khi được thợ làm sạch ra dáng phiêu tự nhiên

Những người say mê gỗ lũa thường có một triết lý riêng, coi nó là “kỳ mộc”, là phần “sống” duy nhất của cây gỗ đã chết vì chất của gỗ lũa rất cứng, không mối mọt nào ăn được, không bị cong vênh hay bị ảnh hưởng bởi mưa nắng”… Theo anh Huệ, có được gỗ lũa rồi, việc chế tác cũng lắm công phu. Sau khi có nguyên liệu, với những gốc còn tươi phải phơi khô, bớt nhựa chừng vài tháng rồi gọt bỏ phần vỏ ngoài và phần mềm sát vỏ, chỉ lấy phần lõi cây, để làm lũa.

Quá trình hình thành ý tưởng đòi hỏi người thợ phải cân nhắc, suy ngẫm để lựa chọn hình dáng, thế lũa. Gỗ lũa rất cứng, từng nhát dao, đường khắc của nghệ nhân là một sự kiên nhẫn, tỉ mẩn gọt giũa, có khi phải mất mấy ngày trời chỉ để chuốt một cái đuôi con chồn… Hiện nay, trên thị trường, gỗ lũa được bày bán không nhiều. Để mua gỗ lũa nghệ thuật, người ta phải tìm đến những “tay” sành chơi. Đồ càng độc càng có giá, vì thế, mới có chuyện có những người khăn đùm cơm nắm lặn lội vào rừng sâu, đi khắp các tỉnh miền Tây tìm các gốc cây đẹp.

“Mỗi thân lũa chỉ có một trên đời, vì thế gỗ lũa càng trở nên quý hiếm. Có tác phẩm lên tới mấy chục nghìn đô-la” – Anh Huệ nói. Rồi chỉ tay vào bộ bàn ghế to kềnh càng với mỗi dáng vẻ của từng chiếc ghế tựa thế đồ long anh “khoe” với tôi: “Bộ bàn ghế này được làm từ gốc cây trai, loài gỗ có sức chịu đựng mưa nắng bậc nhất. Khi đục, chạm nó rất công phu và khó khăn, nếu dùng máy tiện sẽ tóe lửa như mài sắt. Bộ gốc này khi mua nguyên sơ của một gia đình trồng hồ tiêu, họ chỉ phát giá 30 triệu đồng, tôi không ngần ngại mua ngay. Sau vài tháng chế tác, giờ đây có người trả giá đến hơn 1 tỷ đồng nhưng tôi không muốn bán”…

Sau nửa buổi “say” chuyện cùng Huỳnh Phước Huệ, tôi mới vỡ thêm nhiều điều về một thú chơi “kỳ mộc”, thú chơi của sự kết tinh, hòa quyện giữa vẻ đẹp thiên nhiên với con người.

Lê Tuấn