Tục thờ Ông Địa – Thần tài, có lẽ được nguồn gốc bắt đầu từ Trung Quốc rồi sau đó lan dần sang những nước trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, người xưa quan niệm việc thờ cúng Ông Địa-Thần tài trong nhà để cầu mong cho gia đình êm ấm, làm ăn thịnh vượng, phát tài phát lộc.

Tín ngưỡng thờ thần đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam ta. Ngay từ buổi đầu hình thành đất nước sơ khai, người ta đã biết thờ phụng những vị thần tự nhiên, siêu nhiên ví dụ như: thần Đất, thần Mây, thần Mưa, thần Gió, thần Sấm… Tín ngưỡng thờ thần đó bắt nguồn từ tâm lý e sợ những hiện tượng tự nhiên mà họ chưa lý giải được vào thời điểm lúc bấy giờ.

Và đó cũng là tâm lý thể hiện sự tri ân tới những sự vật, hiện tượng tự nhiên xung quanh đã tạo cho người dân có được môi trường sống và làm cho cuộc sống của họ được giàu có, sung túc và bình an. Việc thờ cúng tượng thần tài bằng gỗ cũng mang ý nghĩa đó, bởi thế mà tín ngưỡng này dù đã được hình thành từ rất lâu nhưng vẫn được lưu truyền cho tới tận bây giờ.

Bàn thờ Thần Tài Ông Địa xuất hiện trong tín ngưỡng của người Việt Nam từ rất lâu, đặc biệt tại những gia đình hay những cửa hàng kinh doanh buôn bán với mục đích cầu mong may mắn, thịnh vượng trong công việc.

Trong mỗi gia đình, ngoài bàn thờ gia tiên thì người dân thường thờ cả Thần Tài – Ông Địa đặc biệt là ở những gia đình kinh doanh tại gia thì việc thờ cúng Thần tài – Ông Địa là việc không thể thiếu được. Thờ ông Địa – Thần tài để cầu mong sự may mắn, tài lộc trong công việc kinh doanh của mình.

Bàn thờ Thần tài – cách bài trí sao cho đúng để hút tài lộc

Thần tài được thờ trong một cái tủ thờ, đặt ở dưới đất. Tủ thường làm bằng gỗ thường đặt hướng thẳng ra phía cửa nhà, ở vị trí có vách dựa vào (để tạo sự vững chắc cho tủ thờ cũng như cho sự kinh doanh và cuộc sống bạn).

Cách bài trí bàn thờ Thần tài

Thông thường sẽ sắp đặt theo hướng từ trái sang phải, từ trên xuống dưới.

Thần tài gồm có văn Thần tài và võ Thần tài:

Văn thần tài là Tài Bạch tinh quân và Tam Đa tinh quân. Tài Bạch tinh quân tượng trưng cho vị Thần chuyên quản tiền tài vàng bạc của thiên hạ nên người ta hay đặt tượng Thần nơi tài vị.

Tam Đa tinh quân chính là Phúc Lộc Thọ (tam tinh). Phúc tinh tay ôm đứa bé tượng trưng có con thì vạn sự đủ phúc khí. Lộc tinh mặc triều phục sặc sỡ, tay ôm ngọc như ý tượng trưng cho sự thăng quan tiến chức, thêm tài tăng lộc. Thọ tinh tay ôm quả đào thọ tượng trưng cho an khang trường thọ.

Trong ba vị chỉ có Lộc tinh mới là Thần tài nhưng do xưa nay người ta luôn làm chung tượng. Nếu đặt cả tam tinh vào tài vị thì cả nhà an vui, hạnh phúc, phúc lộc cùng đến.

Võ thần tài gồm có Triệu Công Minh miệng đen mặt đen, chuyên thống lĩnh bốn vị thần Chiểu Bảo, Nạp Trân, Chiêu Tài, Lợi Thị vừa giúp tăng tài tiến lộc vừa có thể hàng ma phục yêu và Quan Thánh Đế, chính là nhân vật Quan Công trong Tam quốc diễn nghĩa giúp chiêu người tài, tiến bảo, làm ăn thuận lợi, tai qua nạn khỏi, trừ tà hộ thân.

Những người làm quan võ, theo nghiệp lính hay kinh doanh nên thờ võ Thần tài hoặc đặt tượng ở phương tài vị, hướng ra cửa. Có một số người còn đặt cả hai tượng Khổng Minh và Quan Công có ý nghĩa hóa sát tà khí, đuổi bọn tiểu nhân, thuận lợi trong kinh doanh.

Bài trí thêm các yếu tố sau để gia tăng vận may tài chính:

  • Bài vị thần tài: Thường được thể hiện bằng chữ viết “Chiêu tài tiến bảo” hoặc hai bên thành của bàn thờ có viết câu đối “Thổ năng sinh bạch ngọc – Địa khả xuất hoàng kim” (Thổ hay sinh ngọc trắng – Đất cũng cho vàng ròng). Phía trước bài vị còn có một trăm thoi vàng giấy.
  • Lọ đựng hương thắp và lọ cắm hoa: Thường làm bằng sứ, cũng có thể bằng chất liệu đá xanh. Hoa dùng để thờ nên dùng hoa tươi, không nên dùng hoa khô.
  • Bát hương: Thường làm bằng ba chất liệu cơ bản là sứ, kim loại, đá (ngọc). Khi bốc bát hương cần để cơ thể sạch sẽ.
  • Sau khi bốc xong thì nhờ các bậc thạc đức minh sư khai quang hoặc mang lên chùa để trên ban đức ông khoảng một tuần thì mới mang về. Không được dùng khăn ướt để lau bàn thờ, vì bàn thờ mệnh Hỏa, mà Thủy khắc Hỏa, không tốt.
  • Đĩa đựng ba chén gạo, muối, nước, rượu: Phải làm mới khi thắp hương khấn vái thần tài. Có nơi dùng ba lọ đựng gạo, muối, nước chỉ đổ đi làm lễ tất niên, thức cúng thì thay bằng năm chén đựng nước (rượu) tượng trưng cho ngũ hành.
  • Cóc ba chân: Nên chọn một cái tô sứ thật đẹp, nông lòng, đổ đầy nước và ngắt những bông hoa trải trên mặt nước (làm Minh Đường Tụ Thủy) – một cách giữ tiền bạc khỏi trôi đi.
  • Để đón vận may tài chính, buổi sáng trước khi đi làm hay đi ra ngoài có thể quay đầu cóc ra phía ngoài, sau giờ đi làm về nhà quay đầu cóc vào trong bàn thờ vì nó chỉ ăn tiền nhưng không bài tiết. Tối về đến nhà là nhả tiền đã nuốt ra cho gia chủ.

Những sai lầm nghiêm trọng khi thờ cúng Thần Tài

1. Không cắm hương chồng chéo nhau

Mỗi bát hướng đều nên có cốt là gói Thất Bảo để tài lộc không bị hao hụt, nếu gia chủ cắm hương chồng chéo nhau hay chọc vào gói Thất bảo sẽ khiến Thần Tài, Ông Địa không có linh khí. Không chỉ không hút tài lộc, sai lầm này còn khiến gia chủ làm ăn thất bát, nghèo khó cả đời.

2. Tượng Thần Tài, Ông Địa

Nếu chỉ thỉnh Thần Tài, Ông Địa đặt lên bàn thờ mà không dán nhãn chữ nho sau lưng bàn thờ thì có thờ cũng như không, không ai chứng giám.

3. Bài vị gương

Trong việc bài trí bàn thờ cầu tài lộc, bình an nếu thiếu bài vị gương gia tài lộc của gia chủ sẽ hao kém, tiền bạc làm bao nhiêu trôi tuột bấy nhiêu, không tích cóp được đồng nào.

4. Đặt bàn thờ Thần Tài sai cách

Không nên đặt gần nhà vệ sinh, trước gương hoặc nhà bếp hay bị góc cạnh của các vật dụng khác đâm vào.

5. Thiếu bát tụ lộc

Bàn thờ Thần Tài nếu thiếu hũ gạo, muối, nước đã vô cùng tai hại. Càng tai hại hơn nếu thiếu cả bát tụ lộc (bát bằng thủy tinh có đáy sâu, chứa nước và rắc hoa tươi).

6. Màu bàn thờ xung khắc mệnh của gia chủ

Không chỉ là vấn đề tâm linh, việc đặt bàn thờ còn liên quan trực tiếp với vận mệnh, phong thủy. Khi chọn bàn thờ, bạn cũng nên chọn màu sắc làm lợi cho mệnh của mình, tránh xung khắc gây hao tài.

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo.

Tổng hợp